Quả thị “cô Tấm” từ quê lên phố giá 200.000 đồng/kg vẫn hút người mua

Hoàng Bằng|12/08/2023 17:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Là loại quả quen thuộc ở làng quê Việt mỗi độ thu sang nhưng khi lên phố, quả thị được bán với giá 100.000 – 200.000 đồng/kg và được nhiều người dân Hà thành săn đón.

W_qua-thi-1.jpg
Những ngày này, trên dọc các tuyến phố, con đường Hà Nội, những đôi quang gánh chòng chành trên chiếc xe đạp cũ chở những trái thị thơm ngang phố.
W_qua-thi-2.jpg
Theo khảo sát của PV Moitruong.net.vn, các tiểu thương bày bán thị với giá dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/lạng, tùy loại. Như vậy, để sở hữu một cân thị, người mua sẽ bỏ ra từ 100.000- 200.000 đồng.
W_qua-thi-3.jpg
Chị Nguyễn Thị Hồng– người bán thị tại cổng chợ Đồng Xuân cho biết, thị phổ biến với 2 loại là thị sáp và thị tròn, giá thì đều ngang nhau nhưng mỗi loại lại có một ưu điểm riêng.
W_qua-thi-4.jpg
“Thị sáp là những quả dẹt, nhỏ đều nhau, hạt lép thơm nức mũi. Thị quả tròn to bằng nắm tay người lớn, nhiều nơi còn gọi là thị muộn nhưng hương thơm lại không bằng. Mỗi ngày chị bán từ 20-40kg, loại quả này chỉ để ngửi cho thơm, ít người ăn nên khách thường mua từ 5-10 quả”, chị Hồng nói.
W_qua-thi-5.jpg
Cũng theo chị Hồng, đối với những khách hàng có nhu cầu mua giỏ quả thị đem đi biếu, tặng hay trưng trong phòng khách, cơ quan…, chị sẽ xếp thành giỏ mini đan bằng cói, dứa vừa phải, kèm thêm hoa ngọc lan, trung bình một giỏ có giá từ 160.000 đồng trở lên.
W_qua-thi-6.jpg
Mua tận gốc, bán tận ngọn từ chủ vườn ở Hưng Yên nên chị Thúy Hiền (quê Hưng Yên) buôn được giá rẻ hơn các đầu mối khác. Giá thị sáp và thị tròn được chị bán với giá từ 130.000-170.000 đồng/kg, ngày nào hết hàng ngày đó, có khi hàng đặt phải chờ mới có.
W_qua-thi-7.jpg
Rong ruổi từng gánh thị trên những tuyến phố, chị Phạm Hậu – người bán thị cho biết, sở dĩ thị bán rong giá cao hơn ở chợ là do đã qua tuyển chọn, quả đều, đẹp, có lá, có cành.
W_qua-thi-8.jpg
“Khách hàng có thể lựa quả xanh về thắp hương cho chín dần hoặc mua quả đã chín vàng bóng về trưng cho đẹp, thơm nhà, thơm văn phòng. Thị là loại chơi bền, để 4 - 5 ngày vẫn thơm”, chị Hậu nói.
W_qua-thi-9.jpg
Cũng theo chị Hậu vì là thời điểm đầu vụ nên hàng hoá cũng khan hiếm, người dân trồng chủ yếu phục vụ gia đình chứ không làm kinh tế nên chị cũng phải gom hàng từ nhiều nơi tại các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ... để nhập hàng.
W_qua-thi-10.jpg
Mặc dù trong những ngày gần đây quả thị được bán với mức giá không rẻ nhưng không ít người dân vẫn hào hứng mua thứ quả gắn liền với tuổi thơ này. “Khi thấy hương thơm quả thị là tôi biết được mùa thu đã về, nhìn những quả thị căng tròn vàng óng làm tôi lại nhớ đến những ngày tháng tuổi thơ đan giỏ đứng đợi mẹ đi chợ mua thị về đựng”, chị Mai Lan (Ba Đình, Hà Nội).
W_qua-thi-11.jpg
Diospyros decandra Lour là tên khoa học của quả thị. Theo đó, đây là loại quả tròn, màu vàng, mọng nước, có 6-8 múi mang mùi thơm đặc trưng. Theo kinh nghiệm dân gian, quả thị được làm thuốc chữa các bệnh như: sốt nóng, ngộ độc, nôn mửa, mẩn ngứa, lở loét, dị ứng, mụn nhọt, táo bón, đầy bụng…
W_qua-thi-12.jpg
Không chỉ mang nét đẹp dung dị của làng quê Bắc Bộ xưa, hương thơm mộc mạc mà nồng nàn của quả thị khẽ đưa mùa thu về, góp mình vào vẻ đẹp chung của Hà Nội mùa lá vàng bay.
Bài liên quan
  • Người vô gia cư mưu sinh giữa phố thị phồn hoa
    Giữa những ánh đèn lấp lánh, phồn hoa của thành phố Hà Nội không khó để bắt gặp những người vô gia cư dọc các tuyến đường quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên… từng góc phố, đều có thể trở thành nơi kiếm sống của những người lao động từ các tỉnh đổ về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quả thị “cô Tấm” từ quê lên phố giá 200.000 đồng/kg vẫn hút người mua