Những ngày này, về làng cổ Chất sẽ thấy được khung cảnh vừa nhộn nhịp, hối hả, vừa yên bình, thơ mộng. Khắp làng lách cách tiếng thoi đưa rộn rã, tiếng lạch cạch của những guồng quay tơ.
Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Những sợi tơ len lỏi chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Trên những khoảng sân ngập nắng, những bó tơ vàng, tơ trắng mềm mại, suôn đều, óng ả phơi trên những sào tre.
Theo những người dân trong làng kể lại, từ thời Pháp thuộc, Cổ Chất đã trở thành vùng vành đai nguyên liệu cung cấp cho Công ty bông vải sợi Bắc Kỳ. Đầu thế kỷ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh.
Ngày nay, người già trong làng vẫn thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương.
Nhiều hộ gia đình đầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại để sản xuất. Tuy nhiên, dù làm thủ công hay bằng máy, từng sợi tơ đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng.
Theo chị Tuyết Lan – người dân tại làng chia sẻ, từ xưa đến nay, kỹ thuật ươm tơ của làng Cổ Chất đã nổi tiếng xa gần. Kỹ thuật dệt lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. Từ việc lựa chọn, phân loại kén tằm, cho đến việc đảo kén, lấy mối tơ để tạo nên những nén tơ căng chắc, bóng mượt.
“Trong quy trình dệt lụa, người làng sẽ ươm cả tơ trắng lẫn tơ vàng. Kén tằm sẽ được nhập ở những vùng lân cận như Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình. Sau 20 - 25 ngày kén tằm trưởng thành thì có thể đem đi kéo sợi. Sợi tơ làm xong sẽ được phân chia thành 3 loại. Sợi tơ tốt nhất gọi là sợi mốt rồi đến sợi mành và cuối cùng là sợi đũi dùng để dệt loại vải thô, vải sồi. Để có sợi tơ đẹp mịn thì người làm phải thật khéo léo, gỡ kỹ rồi vừa se và chuột sợi”, chị Lan nói.
Tơ thành phẩm được các thương lái về tận làng mua xuất đi các vùng dệt lụa như Vạn Phúc (Hà Nội), Hà Nam... và sang các nước như Lào, Campuchia và Thái Lan. Những loại tơ thô có giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg. Tơ thành phẩm đạt chất lượng cao có thể lên đến hàng triệu đồng.
Hiện làng tơ Cổ Chất ở hiện tại chỉ còn khoảng 20 hộ gia đình theo nghề. Người dân trong làng cho biết, con tằm rất nhạy cảm với thời tiết, do đó việc chăm sóc và nuôi dưỡng vô cùng khó khăn và nhiều rủi ro. Hiện tại, 1kg tơ tằm người dân có thể bán với giá 1,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các loại chi phí kéo theo như nhân công, vận chuyển... đều tăng nên khoản lãi thu lại chẳng đáng là bao. Đó cũng là lý do khiến nhiều gia đình không giữ nghề.