Quán ăn chay mùa đắt khách

Thạch Bích Ngọc|23/08/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều năm trở lại đây, các quán hàng bán đồ ăn chay chỉ đông khách vào những ngày đầu và giữa hàng tháng Âm lịch. Thế nhưng mùa Vu Lan hay tháng 7 âm lịch năm nào cũng là mùa hút khách của các hàng quán bán đồ ăn chay. Mùa Vu Lan năm nay, số lượng người ăn chay có chiều hướng tăng, vì vậy mà các quán hàng chay đều ăn nên làm ra khi lượng khách vào ra không ngớt…

Ngày càng có nhiều người ăn chay

W_23-chay-1.jpg
Từ đầu tháng 7 âm lịch tới nay, các quán hàng bán đồ ăn chay ở TP. HCM lúc nào cũng đông khách

Đã từ lâu, tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai…, cứ vào ngày Mồng 1 đầu tháng và ngày Rằm giữa tháng Âm lịch là rất đông người dân có thói quen ăn chay. Quan niệm ăn chay bây giờ không hẳn đều vì tôn giáo mà là vì sức khoẻ bởi không ít người coi việc ăn chay để giữ cho cơ thể được thon gọn, và đặc biệt là sức khoẻ được tốt hơn. Chúng ta đều biết, vài thập kỷ trở lại đây, khi mà kinh tế của đại đa số các gia đình ở nước ta đều đã khá giả lên rất nhiều, điều kiện sống cũng từng bước được cải thiện, các bữa ăn luôn đủ đầy dinh dưỡng thì cũng ngày càng có nhiều người béo phì, nhất là thế hệ những người trẻ do “nạp” quá nhiều dinh dưỡng vào cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng, các nhà khoa học từng đưa ra những “cảnh báo” về những nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì như: đái tháo đường, bệnh tim,…. Bên cạnh đó, béo phì còn làm giảm chất lượng và thời gian sống, đồng thời làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cá nhân, quốc gia và toàn cầu…

Để cải thiện vóc dáng cũng như giữ gìn sức khỏe, nhiều người đã nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm cân bằng các hình thức trong đó luyện tập thể thao kết hợp với việc “tiết chế” khẩu phần ăn thông quá chế độ ăn chay rất được ưa chuộng. Ăn chay còn gọi là trai giới hay ăn lạt, là chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả,...), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, bơ, phô mai, kem, đạm váng sữa. Theo như tôi được biết thì ăn chay trong Phật giáo được xem là một phương tiện cần thiết cho việc thanh lọc thân và tâm; chẳng những giúp cho sức khỏe con người được tốt hơn, vì ngăn ngừa và chữa trị được bệnh tật, mà còn hỗ trợ cho đời sống tâm linh hướng thiện, thăng hoa, nuôi dưỡng được lòng từ bi đối với muôn loài chúng sinh.

W_23-chay-3.jpg
Một quán bán đồ ăn chay khá uy tín trong khu vực làng Đại học quốc gia TP.HCM

Để thực hiện việc ăn chay, đại đa số các cá nhân thường tự sửa soạn nấu các món ăn chay tại nhà, với các bữa ăn chỉ đơn giản từ vài ba cho tới dăm món xoay quanh nguyên liệu chính là trái cây, rau, củ, quả; cùng các chất tinh bột là: gạo, bột mì, bột ngô, bột ngũ cốc, đậu nành,…Ở các tỉnh phía Nam, phần đông các gia đình vẫn thực hiện việc ăn chay vào ngày Mồng 1, ngày Rằm và khi không có điều kiện nấu nướng hoặc vì muốn “đổi vị”, họ lại nhau ra quán. Nhiều gia đình chỉ trừ trẻ nhỏ ăn mặn đầy đủ ra, còn các thành viên trong gia đình đều ăn chay 1 tuần vài bữa, thậm chí một số người thừa cân béo phì và người già còn chọn cách ăn chay trường, cả tháng không hề “động” đến các loại đồ ăn là thịt, cá hay các loại thực phẩm chế biến sẵn có nguồn gốc từ động vật. Việc ăn chay cũng như duy trì ăn chay thường xuyên một cách khoa học, đúng cách không chỉ giúp cho cơ thể thon gọn, ngăn ngừa tình trạng thừa cân béo phì mà còn tốt cho sức khoẻ vì phòng tránh được những bệnh do thừa dinh dưỡng gây ra. Vì thế mà ăn chay đã, đang được nhiều người ưa chuộng, hướng tới…

Nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng, nhiều nhà hàng, quán nhậu đã chuyển sang quán chay và hiện từ các quận trung tâm thành phố cho tới các khu dân cư ở ven ngoại, quán hàng chay “mọc” lên rất nhiều.

Quán chay mùa đắt khách

W_23-chay-2.jpg
Với hình thức tự phục vụ, sạch sẽ và phong phú các món ăn và giá cả phải chăng nên các quán chay ở TP.HCM lúc nào cũng đông khách

Mới bước vào đầu tháng 7 âm lịch nhưng các quán hàng bán đồ chay tại khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận, nơi nào chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh khách vào ra tấp nập. Bình thường, các quán chỉ phục vụ 2 bữa ăn chính là trưa và tối nhưng trong dịp lễ Vu Lan năm nay, các quán hàng còn phục vụ thêm bữa sáng để đáp ứng nhu cầu ăn chay tăng vọt của khách. Ngoài các món truyền thống ra, năm nay các nhà hàng còn thêm các món lẩu chay, buffet chay,…nhằm đáp ứng nhu cầu của giới trẻ trong dịp này.

Điển hình như quán cơm chay Hoàng Đạt, nằm trên đường số 6 (phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP. HCM). Quán hoạt động theo hình thức tự phục vụ theo sở thích và nhu cầu, lại có giá 15.000 đồng/suất ăn nên mặc dù phải đứng chờ một hồi lâu mới tới lượt mình gắp thức ăn song vẫn hút khách. Không chỉ giá cả bình dân, cơm chay Hoàng Đạt còn được đông khách ưa chuộng bởi ngoài những món cơm phần với trung bình mỗi ngày khoảng hơn 20 món ăn ra, chủ quán còn duy trì phục vụ khách có nhu cầu ăn lẩu chay, với mỗi suất ăn chỉ 40.000 đồng. Nghĩa là với 4 người chỉ “tốn kém” khoảng 120.000 đồng là ăn no nê, thoải mái với đầy đủ nguyên liệu từ: bún, rau củ, nấm, đậu hũ, váng đậu...nhiều người đã chọn nơi đây để cùng nhau thưởng thức.

Chia sẻ với chúng tôi, chị chủ quán người gốc Bình Định cho biết, bình thường quán chủ yếu phục vụ sinh viên, với khoảng vài trăm suất ăn mỗi ngày. Mồng 1, ngày Rằm thì lượng khách tăng gấp đôi. Mùa Vu Lan, khách tới quán ăn tăng gấp 3, 4 lần là bình thường, chưa kể một lượng khách quen nhất định thường đặt hàng qua shipper. Chính vì khách đông nên mùa Vu Lan quán chay này thường phải tăng cường thêm nhân viên mới đáp ứng được nhu cầu phục vụ…

Quanh làng Đại học quốc gia TP.HCM có khoảng vài chục quán hàng bán đồ ăn chay với những cái tên như: Hoằng Đặt, Hằng Thiện, Mộc Lâm, Phúc An, Tâm An, Hữu Duyên…, mùa Vu Lan năm nay, lúc nào cũng trong tình trạng tấp nập. Không chỉ sinh viên của làng Đại học hay lui tới ăn, mà nhiều người dân trong vùng cũng thường xuyên tới đây thưởng thức. Theo phản ánh của số đông sinh viên thì các quán chay trong khu vực không chỉ ngon, đa dạng, chất lượng đảm bảo mà quan trọng là giá cả lại bình dân. Có lẽ vì “định hình” được uy tín và chất lượng nên các quán chay trong khu vực lúc nào cũng đông khách. Có thời điểm khách đông, không còn bàn nhưng khách vẫn chờ đến lượt.

Ngoài các quán chay bình dân ra thì trong dịp lễ Vu Lan này, các nhà hàng bán đồ ăn chay cao cấp chuyên phục vụ khách “VIP” cũng không hề vắng khách. Với mức giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng cho mỗi suất ăn nhưng lượng khách lui tới các nhà hàng này cũng không hề nhỏ.

Chúng ta đều biết rằng trong xã hội không phải ai cũng nghèo, cũng thiếu tiền, mà vẫn có một lượng thực khách không nhỏ, khi họ đi ăn mặn hay chay, họ không xem trọng vấn đề giá cả của mỗi phần ăn đắt hay rẻ, mà điều họ quan tâm hơn cả là các món ở đó có ngon, có hấp dẫn, và có đảm bảo ATVSTP hay không, cũng như cách phục vụ có tốt không, mà thôi…Tuy nhiên, có một điều mà tôi nhận thấy rằng mặc dù vào mùa Vu Lan, lượng khách ăn chay rất đông đúc nhưng tất cả các chủ quán hàng kinh doanh đồ ăn chay đều vẫn bán giá như ngày thường.

Kinh doanh là phải có lãi song với những người kinh doanh đồ ăn chay thì cái mà họ nhận về ngoài một phần lợi lộc để duy trì cuộc sống mà là niềm vui, niềm phấn khích khi có cơ hội gieo duyên, tạo phước lành tới mọi người, nhất là những người có cùng sở thích ăn chay giống mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quán ăn chay mùa đắt khách