Quần đảo Hải Tặc (Kiên Giang): Điểm đến lý tưởng trong dịp lễ 2/9

Theo Zing|14/08/2017 10:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bãi tắm sạch đẹp ở quần đảo Hải Tặc hút khách du lịch trong mùa hè

(Moitruong.net.vn) – Hải Tặc là quần đảo xinh đẹp cuối trời Tây Nam Tổ quốc. Với vẻ đẹp hoang sơ, hữu tình, môi trường trong sạch… quần đảo Hải Tặc nhanh chóng hút khách du lịch trong mùa hè này. 

Quần đảo Hải Tặc (Kiên Giang) được biết đến vào khoảng cuối thế kỷ 17, từng là căn cứ của hải tặc “Cánh Buồm Đen” khét tiếng. Toàn bộ quần đảo này thuộc xã Tiên Hải của thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Quần đảo Hải Tặc cách đất liền 17 hải lý, nằm trong vịnh Thái Lan, phía Tây Bắc là quần đảo Bà Lụa, phía đông là đảo Phú Quốc. Tổng diện tích 1.100 ha, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ nằm gần nhau, như Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ, hòn Giang, hòn Ụ, hòn Đước và hòn Đồi Mồi, hòn Đốc…

Đảo Hòn Tre thuộc quần đảo Hải Tặc có các loài động vật được người dân nơi đây nuôi nhiều, như thỏ và bồ câu… Ngày nay, hòn Tre được xem là điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách.

quan dao hai tacPhong cảnh hữu tình tại quần đảo Hải Tặc khiến du khách thỏa sức tạo dáng chụp ảnh check-in

Muốn đến quần đảo Hải Tặc, bạn có thể đi tàu cao tốc Greenlines A1 từ thị xã Hà Tiên mất 30 phút, hoặc tàu thường như Hương Xưa, Minh Nga và Bảo Thiên mất 75 phút. Trên biển, bạn có thể bắt gặp những bè nuôi cá mú, cá bóp của ngư dân vùng biển này.

Cũng giống như đảo Nam Du, thông thường người nước ngoài không được phép ra quần đảo Hải Tặc. Lưu ý, vào những ngày biển động sẽ không có tàu ra đảo. Nếu lỡ chuyến tàu cao tốc, bạn có thể đi tàu thường. Vừa ngồi trên tàu vừa ngắm cảnh và tranh thủ ghi lại những nét sinh hoạt của ngư dân trên biển cũng là một trải nghiệm thật thú vị.

Khi tàu cập cảng, bạn có thể đi một vòng quanh đảo và đến các quán ăn bằng xe điện là trải nghiệm thú vị nơi đây.

Đây là một quần đảo còn hoang sơ đang được đầu tư và khai thác du lịch. Trong hành trình khám phá quần đảo Hải Tặc, du khách sẽ được thả mình trên những bãi biển hoang sơ và thơ mộng làm say lòng du khách.

Đảo có diện tích nhỏ, nên bạn có thể bách bộ để ngắm cảnh và chụp ảnh cũng như quan sát những nét sinh hoạt của người dân.

Nét nổi bật nhất của quần đảo Hải Tặc là trên đảo hiện nay đã xây dựng khu xử lý rác thải, nên vệ sinh môi trường ở đây rất tốt. Đây là một trong số ít đảo hiếm hoi của Kiên Giang có nhà máy xử lý rác thải (sau đảo Phú Quốc). Điều đó cũng là ưu điểm vượt trội của quần đảo nơi cuối trời của đất nước này.

Bãi tắm ở hòn Tre lớn là một bãi tắm sạch đẹp vào bậc nhất trong các bãi tắm thuộc khu vực Hà Tiên. Nước biển trong xanh vì nằm ngoài khơi xa, biển có phần sạch sẽ hơn. Các bạn có thể lặn ngắm những rạn san hô, bắt ốc, cầu gai và tự tay chế biến những món ăn tươi ngon, thưởng thức tại bãi biển…

quan dao hai tac 2Bãi biển hoang sơ, môi trường trong sạch giúp quần đảo Hải Tặc ghi điểm trong mắt du khách

Hiện nay, bãi Bắc (hòn Tre lớn) còn rất hoang sơ, do chưa được đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, bà con nơi đây biết tận dụng “cây nhà lá vườn” để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, bãi Bắc tiếp đón hàng trăm du khách khắp nơi đến tắm biển và thưởng thức các món ăn đặc sản tươi ngon với giá cả phải chăng, sự phục vụ ân cần chu đáo và thân thiện của người dân.

Điều thú vị là du khách cùng ăn, cùng ở và cùng chơi tại nhà dân. Đêm xuống, hòa cùng làn gió mát xào xạc từ biển, du khách có thể đốt lửa trại, vui chơi thỏa thích. Các bạn trẻ thích trải nghiệm, khám phá có thể mang theo lều hoặc ngủ ngay tại nhà dân về đêm mà không sợ bị muỗi đốt.

Cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta đã được Hải quân Việt Nam xây dựng từ năm 1958 trên quần đảo này. Hiện nay cột mốc chủ quyền của đảo được xây dựng, phục chế lại lại cũng là một điểm nhấn cho du lịch ở nơi này, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương ở đây.

Vị trí quần đảo Hải Tặc nằm ở giữa đất liền và đảo Phú Quốc, thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang.

Theo Zing

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quần đảo Hải Tặc (Kiên Giang): Điểm đến lý tưởng trong dịp lễ 2/9
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.