Quân đội nhân dân Việt Nam chung tay, chung sức vì một thế giới – một tương lai ngày mai tươi xanh

Nguyễn Đỗ Phú|22/12/2022 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, bảo vệ môi trường (BVMT) là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đã, đang được triển khai sâu rộng ở các đơn vị trong toàn quân. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BVMT trong quân đội là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sức khỏe bộ đội và hiệu quả hoạt động quân sự, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.

quan-doi-1.jpg
Các cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia ngày chủ nhật xanh, góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế xanh, sạch, đẹp

Nhiệm vụ BVMT của quân đội

Nhiệm vụ BVMT của quân đội được đặt ra trên cơ sở tính chất đặc thù của hoạt động quân sự như đóng quân, canh phòng, huấn luyện, diễn tập; sản xuất, sửa chữa, thử nghiệm vũ khí - khí tài quân dụng; niêm cất bảo quản vũ khí, khí tài, vật tư, trang thiết bị; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... Phạm vi hoạt động của các đơn vị quân đội rất rộng lớn: Trên đất liền, trên không, trên sông, biển, biên giới, hải đảo...; các hoạt động quân sự đặc thù này đều có những tác động nhất định đến môi trường sinh thái ở những mức độ khác nhau. Do đó, quân đội phải là lực lượng trực tiếp BVMT khu vực đóng quân, khu vực sản xuất, sửa chữa quốc phòng, trong các hoạt động y dược, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và diễn tập... Bên cạnh đó, trước yêu cầu nhiệm vụ có bước phát triển mới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định quân đội còn là lực lượng nòng cốt của Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT quốc gia như: Khắc phục hậu quả tồn lưu bom, mìn, chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh và ứng cứu sự cố môi trường…

Với phương châm “Ở đâu có hoạt động của bộ đội thì ở đó có hoạt động BVMT”, trong những năm qua, công tác BVMT đã được các cấp, các ngành trong toàn quân quan tâm và thu được những kết quả đáng kể.

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT được các đơn vị đặc biệt coi trọng, với nhiều hình thức phong phú. Bộ Quốc phòng đã ban hành các văn bản pháp quy và tổ chức triển khai học tập Luật BVMT, quán triệt Chỉ thị của Bộ trưởng về nhiệm vụ BVMT trong quân đội cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực BVMT không ngừng được đẩy mạnh. Theo số liệu báo cáo của Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng, từ năm 2005 đến nay đã có gần 200 công trình cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng liên quan đến lĩnh vực BVMT được nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong thực tiễn như: Xử lý chất thải công nghiệp, chất thải độc hại ở các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng; xử lý chất thải y tế ở các bệnh viện, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; xử lý nước sinh hoạt cho bộ đội… Bộ Quốc phòng đã triển khai, thành lập 3 trạm quan trắc môi trường thuộc mạng lưới quốc gia (Viện Hoá Học và Môi trường Quân sự - Bộ Tư lệnh Hóa học; Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường biển - Quân chủng Hải quân; Viện Nhiệt đới môi trường - Viện Khoa học và công nghệ quân sự) nhằm kịp thời phát hiện, kiểm soát, giám sát ô nhiễm môi trường và triển khai các biện pháp xử lý sự cố môi trường. Một số đơn vị, nhà máy, cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự đã tiến hành quan trắc môi trường quân sự và tham gia quan trắc môi trường quốc gia, nghiên cứu công nghệ xử lý môi trường và triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường.

Bộ Quốc phòng cũng luôn tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nước ASEAN; xây dựng và tổ chức lực lượng làm nòng cốt trong phòng, chống thiên tai và khắc phục sự cố môi trường; tham gia tích cực công tác xử lý, khắc phục, cải tạo môi trường, rà phá bom mìn và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh.

quan-doi-2.jpg
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dọn rác bảo vệ môi trường biển

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BVMT trong quân đội cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện và còn tồn tại một số hạn chế như: Hoạt động môi trường quân sự còn thiếu quy hoạch tổng thể; việc xử lý một số sự cố môi trường bức xúc ở các đơn vị, cơ sở sản xuất quốc phòng, bệnh viện còn chậm; việc lồng ghép giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị đơn vị với việc thực hiện Luật BVMT và các quy định BVMT khác của Nhà nước còn nhiều bất cập; trình độ trang thiết bị, công nghệ sản xuất quốc phòng nhìn chung còn lạc hậu, có nơi công nghệ sản xuất quá cũ nên đã phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có chất thải quân sự gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc đầu tư các nguồn lực cho công tác BVMT chưa tương xứng; nguồn nhân lực chuyên trách cho công tác BVMT còn mỏng, chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm; công tác BVMT ở một số đơn vị vẫn chưa thực sự trở thành hoạt động thường xuyên và được coi trọng đúng mức; nhận thức về công tác BVMT của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ có nơi còn hạn chế, chưa ngang tầm…

Phát huy vai trò của quân đội với nhiệm vụ BVMT

Trước yêu cầu nhiệm vụ có bước phát triển mới đặt ra việc phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả BVMT trong quân đội. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Luật BVMT 2020; Điều lệ công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu của Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 2015; Nghị quyết số 24-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng liên quan đến công tác BVMT và khắc phục thực trạng BVMT, các đơn vị trong toàn quân cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác BVMT cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân; đưa nội dung BVMT thành chỉ tiêu thi đua ở các đơn vị.

Hai là, củng cố, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp quy và kiện toàn các tổ chức BVMT ở các đơn vị trong toàn quân.

Ba là, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ BVMT trong tất cả các hoạt động quân sự ở các cơ quan, đơn vị.

Bốn là, xây dựng các tiêu chí cụ thể về BVMT sinh thái đối với các khu vực sản xuất, sửa chữa, thử nghiệm vũ khí, khí tài, trang bị và nơi ăn ở, sinh hoạt của các đơn vị cơ sở.

Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, các chuyên gia về lĩnh vực BVMT.

Sáu là, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ BVMT và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về BVMT.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, các đơn vị trong toàn quân cần quán triệt triển khai đầy đủ các nội dung cơ bản về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cần kết hợp chặt chẽ với công tác BVMT; mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp hoạt động BVMT với các bộ, ngành, địa phương và quốc tế nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động BVMT ở đơn vị mình, phấn đấu xứng đáng là lực lượng nòng cốt, và thực sự xứng đáng với chức năng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, tiên phong trong hoạt động BVMT, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài liên quan
  • Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới
    Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và Nhân dân Việt Nam, Người sáng lập, giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam và dành tình cảm lớn lao cho cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên quan tâm xây dựng Quân đội ta trở thành quân đội kiểu mới của Nhân dân, do dân và vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quân đội nhân dân Việt Nam chung tay, chung sức vì một thế giới – một tương lai ngày mai tươi xanh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.