Thực hiện chủ trương phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2030, các huyện thị của Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân ở các xã có rừng trồng kinh tế chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn dài ngày bằng giống cây keo cấy mô.
Theo đó, các đơn vị được phân khai tổng số vốn 13 tỷ đồng cho các Dự án phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững năm 2020, cụ thể: Lâm sinh hơn 7,5 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng gần 4 tỷ đồng; quản lý dự án trên 745 triệu đồng; kinh phí khuyến lâm 430 triệu đồng; mua sắm trang thiết bị bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng 330 triệu đồng.
Người dân Lệ Thủy đang trồng rừng gỗ lớn
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT, Ban Quản lý Dự án bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch được giao.
Cùng với đó, các chủ đầu tư triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao; quản lý sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả.
Cụ thể: Đối với trồng rừng gỗ lớn, mức giao kế hoạch bình quân 8 triệu đồng/ ha; mức cụ thể theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán được phê duyệt và đối với những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lâm sinh (trạm bảo vệ rừng, chòi canh lửa….), các chủ đầu tư triển khai thực hiện đảm bảo mức vốn đầu tư được Sở NN-PTNT hướng dẫn, không được làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tổ chức thực hiện hạng mục được giao đảm bảo đúng quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng…
Minh Anh (T/h)