Tại buổi tập huấn, các Đoàn viên thanh niên được lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn biển phổ biến các kiến thức về phục hồi san hô, cũng như vai trò hết sức quan trọng của san hô đối với hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm. Ngoài ra, còn được tham gia trải nghiệm trực tiếp cấy ghép san hô, thu gom rác thải và phân loại rác tại nguồn các khu vực bờ biển, các bạn Đoàn viên thanh niên còn đến tận từng nhà người dân tuyên truyền người dân không sử dụng túi nilon, ống hút nhựa khi bán hàng cho du khách.
Phân loại rác thải sau khi nhặt tại khu vực bờ biển
Em Phạm Phương Thảo, thuộc Chi đoàn phường Cẩm Châu tham gia trải nghiệm chia sẻ “Thời gian trải nghiệm ít nhưng đã giúp em hiểu hơn về việc khôi phục và bảo tồn các rạn san hô, cũng như ý nghĩa của việc tuyên truyền người dân không sử dụng ống hút nhựa, từ đó sẽ hạn chế ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển”.
Các bạn đoàn viên đang tham gia nhặt rác tại cảng biển Cù Lao Chàm
Bạn lưu Văn Tuân – Phó đội trưởng phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Cửa Đại cùng tham gia trải nghiệm phục hồi san hô vui vẻ nói “Phục hồi và tái sinh san hô là một việc em cảm thấy rất ý nghĩa, hiểu được tác hại của hạt vi nhựa từ rác thải đối với môi trường sống”.
Anh Phạm Văn Hiệp, cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: Nhiệm vụ Tuần tra, kiểm soát, hay phục hồi san hô bằng các phương pháp, kỹ thuật khác nhau chỉ là nhiệm vụ bề nổi, giải quyết phần gọn của vấn đề. Cốt lõi nhất vẫn là ý thức của cộng đồng và các bên liên quan. Một khi ý thức được vai trò và tầm quan trọng của các hệ sinh thái tự nhiên thì mọi người sẽ chung tay, góp sức cho công tác bảo tồn, gìn giữ và bảo vệ môi trường bằng chính nhiệt huyết và hành động của mình.
Kỹ sư Lê Vĩnh Thuận – Phó Giám đốc Khu quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng là chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô tại Khu vực biển Cù Lao Chàm” cho biết, hiện nay Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiếp tục phối hợp với cộng đồng dân cư địa phương đã ươm thành công 3.000 tập đoàn san hô nhanh trên diện tích 2.747m2 tại Bãi Bấc và Bãi Tra với tỷ lệ sống đạt 78,9%. Ngoài ra, còn xây dựng được 2 vườn ươm san hô giống tại Bãi Bò, Bãi Nần với 600 tập đoàn, tỷ lệ sống trên 99%.
Đến từng nhà dân để tuyên truyền không sử dụng ống hút nhựa
Việc phục hồi thành công các rạn san hô đã góp phần điều hòa môi trường biển tại Cù Lao Chàm, cung cấp dinh dưỡng và nơi cư trú cho nhiều loài thủy sinh và thủy sản quý hiếm ở vùng biển đảo Cửa Đại, Cù Lao Chàm Hội An. Một tín hiệu vui là kết quả phục hồi san hô ở Cù Lao Chàm đã được UBND tỉnh đã quyết định công nhận đề tài để ứng dụng vào thực tiễn ở vùng biển Quảng Nam.
Bên cạnh đó, chương trình trải nghiệm “Phục hồi san hô” lần này góp phần nâng cao ý thức cho Đoàn viên thanh niên trong công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường nói chung.
Như Quỳnh