Với lợi thế diện tích rừng tự nhiên lớn, đất rừng đặc dụng địa phận Nam Giang có diện tích hơn 57.586ha, diện tích đất có rừng hơn 53.177ha, diện tích rừng trồng hơn 355,9ha.
Tại lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh hiện có hơn 890 loài thực vật bậc cao, trong đó có 25 loài đặc hữu của Việt Nam, 51 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật gồm 68 loài thú, 130 loài chim, 112 loài bò sát, 56 loài lưỡng cư, 103 loài cá. Hệ động vật tại đây đa dạng, phong phú bậc nhất khu vực Trung Trường Sơn…
Nhằm tăng cường bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, UBND huyện Nam Giang đề nghị hạt kiểm lâm, chủ rừng tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao như nhà hàng, quán ăn, địa điểm đông khách du lịch, nơi có các khu rừng tự nhiên và cư trú của các loài động vật hoang dã cũng như các loài di cư, tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không”: không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Tăng cường quản lý, kiểm soát các hộ gia đình, cá nhân gây nuôi, phát triển các loài động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm việc gây nuôi động vật hoang dã không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc săn bắt từ tự nhiên.
UBND huyện Nam Giang đề nghị Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học bền vững trong lâm phận; khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công an huyện Nam Giang chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các xã phối hợp lực lượng kiểm lâm, chủ rừng tăng cường đấu tranh phòng ngừa và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã; theo dõi, xử lý hành vi quảng cáo, mua bán động vật hoang dã trên không gian mạng...