Quảng Nam: Làng chổi Chiêm Sơn tất bật sản xuất cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán

Đức Biền|15/01/2022 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những ngày này, nhiều hộ gia đình chuyên sản xuất chổi đót tại Làng nghề truyền thống Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) đang tất bật sản xuất để kịp thời cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm được kỳ vọng nhất năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, sản lượng tiêu thụ gấp đôi ngày thường hứa hẹn sẽ mang lại một cái Tết ấm no cho người dân.

Nghề truyền thống hơn trăm năm tuổi

Làng chổi đót Chiêm Sơn thuộc địa phận xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, làng nghề tồn tại trên trăm năm tuổi. Nơi đây được xem là cái nôi sản xuất chổi đót lớn nhất tỉnh Quảng Nam, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, toàn làng nghề có khoảng 200 hộ gia đình chuyên làm chổi đót, trong đó có hơn 20 cơ sở lớn, tạo công việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, chủ yếu phụ nữ và người lớn tuổi với mức thu nhập bình quân từ 4 – 6 triệu đồng.

Để sản xuất ra được một cây chổi đót Chiêm Sơn mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phải chăng đòi hỏi người thợi lành nghề phải tỉ mỉ trong việc lựa chọn nguyên liệu, cẩn trọng trong từng công đoạn sản xuất.

Đa phần thợ thủ công sản xuất chổi làng Chiêm Sơn đều là phụ nữ và người lớn tuổi, với tính cách tỉ mỉ, nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong nghề

Nguyên liệu đót được nhập về từ các địa phương lân cận trong tỉnh, thậm chí vào các dịp cận Tết, nhiều hộ gia đình phải nhập hàng từ các tỉnh thành như Quảng Ngãi, Huế…. Đót được nhập về, phơi khô, sau đó bó lại thành từng bện và gia công thêm phần cán để tạo hình thành cây chổi hoàn chỉnh. Để có được cây chổi tốt, dùng bền, thì đót chính là yếu tố quyết định nên chất lượng của cây chổi. Ngày nay, để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và giá cả trên thị trường, làng nghề chổi đót Chiêm Sơn đã cải tiến nhiều mẫu mã chổi khác nhau, chủ yếu 2 loại chính là chổi cán tre và chổi bằng cán nhựa. Giá thành giao động từ 20 – 30 nghìn đồng/chiếc.

Ghé thăm cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Quyên, trú xã Duy Trinh, gia đình có truyền thống bốn đời sản xuất chổi tại Làng chổi đót Chiêm Sơn. Bà Quyên chia sẻ, đã hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề, từ bao đời nay, gia đình bà sống với nghề làm chổi đót, cha truyền con nối để gìn giữ nghề truyền thống của gia đình và địa phương.

Công đoạn xối nước sôi lên chổi cán tre bọc nilong rất quan trọng, giúp bao bì gắn chặt vào cán, định hình cho sản phẩm

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND xã Duy Trinh, nghề làm chổi đót đã gắn bó với người dân từ lâu đời, góp phần mang lại sinh kế ổn định cho người dân cũng như tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

“Định hướng của chúng tôi là tiếp tục phát triển làng nghề theo hướng du lịch,  bởi làng Chiêm Sơn không chỉ nằm trên tuyến du lịch Hội An – Mỹ Sơn mà nơi đây còn có nhiều di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Chính quyền địa phương luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ người dân, HTX tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Mục tiêu sắp tới sẽ đưa sản phẩm OCOP chổi đót HTX Nhất Tuấn lên sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng”.

Dịp cận Tết, không khí sản xuất tại làng nghề trở nên tất bật, nhộn nhịp để kịp thời cung ứng ra thị trường.

Tập trung nhân lực, tăng cường sông suất

Những ngày giáp Tết nguyên đán Nhâm dần 2022, nhiều cơ sở sản xuất tại Làng nghề Chổi đót Chiêm sơn đang phải tận dụng tối đa nguồn nhân lực, tăng cường công suất làm việc để phục vụ việc sản xuất hàng Tết.

Nhân công tại cơ sở sản xuất chổi đang tất bật làm việc để kịp thời giao hàng cho khách

Tại cơ sở sản xuất gia đình bà Nguyễn Thị Quyên, hiện tại có gần 10 lao động đang làm việc suốt ngày đêm, chủ yếu là thành viên trong gia đình và một số lao động địa phương. Bắt đầu từ giữa tháng 10 âm lịch, cơ sở sản xuất bước vào vụ Tết, làm ra khoảng 1000 cây chổi/ngày, thương lái chủ động đến thu mua cung ứng ra thị trường trong và ngoại tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía bắc. Thời gian dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, cơ sở sản xuất của bà vẫn làm việc bình thường, tích trữ sản phẩm chờ thời điểm thích hợp để xuất bán thị trường.

“Lượng hàng Tết, cơ sở sản xuất gấp đôi so với ngày thường, do không có điều kiện để thuê thêm nhân công như những cơ sở khác, nên đòi hỏi chúng tôi phải tăng cường công suất làm việc, tận dụng giờ nghỉ trưa, buổi tối để làm thêm để kịp giao hàng cho khách. Chúng tôi làm chổi quanh năm, nhưng dịp Tết là thời điểm tiêu thụ được hàng nhiều nhất” bà Quyên bộc bạch.

Nguyên liệu được dùng làm cán chổi

Nghề làm chổi đót tại làng nghề Chiêm Sơn thu hút được nhiều lao động tại địa phương, vì vừa là nghề truyền thống của làng, công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều kỹ thuật đặt biệt. Nhiều phụ nữ, người lớn tuổi trong làng thường xuyên làm công việc này, cũng có một số khác làm việc thời vụ vào những lúc nông nhàn.

Chị Trương Thị Sâm, nhân công làm việc tại cơ sở sản xuất chổi đót chia sẻ: “Mỗi ngày, thu nhập từ việc làm chổi đót khoảng được 200.000 đồng. Công việc làm quanh năm, nhưng dịp Tết là đòi hỏi phải làm việc nhiều hơn, đi làm sớm và làm về muộn. Dịp này, chủ cơ sở sản xuất cũng tăng thêm thu nhập cho nhân công, để mọi người cùng có một cái Tết ấm no”.

Cuối năm, sau thời gian dài chịu tác động bởi đại dịch Covid – 19, nghề làm chổi đót Làng Chiêm Sơn vẫn trụ vững trên thị trường. Không khí sản xuất tất bật, rộn rã báo hiệu cho một năm khởi sắc của làng nghề, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Đức Biền

Bài liên quan
  • Quảng Nam: Ngư dân rủ nhau đi “đội sóng” hái lộc biển cuối năm
    Moitruong.net.vn – Xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có nguồn lợi thủy hải sản phong phú, đa dạng. Đặc biệt, một số chủng loại rong biển có giá trị kinh tế cao, những ngày cuối năm cũng là lúc nhiều người dân ở làng chài bước vào mùa hái rong mứt thứ rong đen đen mọc đầy ghềnh đá được ví như “ lộc trời”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam: Làng chổi Chiêm Sơn tất bật sản xuất cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.