Trên toàn tỉnh Quảng Nam có 24 vị trí quan trắc nước mặt và 15 điểm quan trắc chất lượng nước dưới đất. Theo ông Nguyễn Viết Thuận, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, ngành chức năng đã thực hiện quan trắc, lấy mẫu hơn nước mặt định kỳ 1 lần/tháng. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt tại các sông, suối, hồ ổn định và đang có chuyển biến tích cực qua các năm. Một số khu vực ô nhiễm nặng trong giai đoạn 2010-2015 đã được khắc phục.
Giai đoạn 2016-2020, chất lượng nguồn nước mặt (sông, suối, hồ) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang thay đổi theo hướng tích cực.
Hệ thống sông Vu Gia có 4 vị trí quan trắc được đặt lần lượt tại sông ĐăkMi, sông Côn, ông Cái, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa. Theo báo cáo, hầu hết các thông số kiểm tra đều nằm trong quy chuẩn, không có biểu hiện ô nhiễm chất rắn lơ lửng (TSS). Duy chỉ có tháng 11, chỉ số Fe và TSS tăng cao và vượt quy chuẩn nhiều lần. Theo lý giải của cơ quan quan trắc, tháng 11 có bão lũ làm phần đất đá rửa trôi vốn chứa nhiều phèn sắt đã cuốn vào nguồn nước đổ ra sông gây ô nhiễm. Riêng sông Bồng Miêu, hàm lượng Pb ô nhiễm 8/12 đợt (vượt 1,45 – 5,85 lần). Điểm tại Ái Nghĩa ngoài chịu tác động bởi yếu tố tự nhiên còn chịu tác động do hoạt động của con người gây ra thông qua các chỉ số COD, Coliform vượt QC với tần suất cao 4-5 đợt/năm.
So với năm trước, nhìn chung chất lượng nước ở các sông vẫn giữ ổn định tuy nhiên có gia tăng về chỉ số Coliform và hàm lượng chất hữu cơ khu vực Ái Nghĩa. Dòng chính Vu Gia và Thu Bồn đã tốt lên rõ rệt so với giai đoạn từ 2011 – 2015.
Một điểm quan trắc nước mặt tại hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn.
Còn ở hệ thống sông Tam Kỳ chất lượng nước vẫn ổn định qua các năm, phần lớn các thông số nằm trong mức cho phép. Tại những khu vực gần các KCN (Tam Hiệp, Tam Thăng) và các khu dân cư lớn như (Tam Kỳ, Núi Thành), tình trạng ô nhiễm vi sinh vẫn còn diễn ra nhưng ở mức thấp.
Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn là một trong những dòng sông nội địa có lưu vực lớn nhất nước ta, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống và phát triển kinh tế – xã hội của cả hai địa phương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước mặt có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo chất lượng đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận ở hiện tại lẫn tương lai.
Mặc dù chất lượng nguồn nước trên các sông, suối, hồ… đã và đang có những tín hiệu tích cực, nhưng ông Nguyễn Viết Thuận, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Các hoạt động từ sản xuất công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… cùng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và hoạt động khai thác khoáng sản sẽ là nguy cơ phát sinh ô nhiễm, tác động ít nhiều đến chất lượng nguồn nước”.
Ngành chức năng kiểm tra chất lượng nguồn nước thượng nguồn sông Vu Gia.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, Sở TN&MT đề xuất lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần từng bước dẹp bỏ tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên các lưu vực sông. Cần có chế tài mạnh đối với những hoạt động khai thác có phép gây ô nhiễm môi trường hoặc không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường như cam kết. Hạn chế việc cấp phép khai thác khoáng sản và gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản khu vực đầu nguồn hệ thống sông. Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cũng sẽ đẩy nhanh và đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quan trắc môi trường.
Đối với các địa phương có rừng cần xây dựng kế hoạch ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, bảo vệ rừng đầu nguồn; không phát triển thêm công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Đối với các KCN, CCN, cơ sở sản xuất, đặc biệt là công tác xử lý nước thải cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường. Địa phương cần chọn lọc, ưu tiên những loại hình sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở dịch vụ, du lịch có phát sinh nước thải, các khu dân cư tại những khu thị trấn, thị tứ (nơi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung).
Nhật Hiên