Quảng Nam: Nỗi lo ‘hà bá’ nuốt làng

Vũ Thành|07/12/2022 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua, một đoạn bờ biển và bờ sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến nhà cửa, ruộng vườn của nhiều hộ dân.

Ông Trần Văn Sáu, trú thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành , tỉnh Quảng Nam cho biết, bờ biển thôn Hà Lộc xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhiều năm qua. Thế nhưng, đợt mưa bão giữa tháng 10/2022, bờ biển thôn Hà Lộc sạt lở nghiêm trọng hơn, khiến nhiều diện tích đất vườn, nhà làm xưởng đá bị đe dọa.

sat-lo-bo-bien-1-.jpg
Ông Trần Văn Sáu chỉ bờ biển Hà Lộc bị sạt lở đe dọa đến nhà cửa

“Sạt lở bờ biển làm hư hỏng nhiều công trình dân sinh, để tự bảo vệ tài sản nhiều người dân đã làm kè bằng cách mua cát về đổ vào chỗ sạt lở hoặc đóng cọc tre, xây tường gạch chắn sóng”, ông Trần Văn Sáu nói.

sat-lo-bo-bien-6.jpg
Ông Ngô Văn Truyền đang đóng cọc tre chống sạt lở biển

Đang đóng cọc tre dọc bờ biển, ông Ngô Văn Truyền, trú thôn Hà Lộc cho hay: “Cơn bão số 5, khiến sóng biển đánh mạnh vào bờ gây sạt lở một đoạn đất vườn của gia đình tôi có chiều dài khoảng 30m bị đổ sập xuống biển. Lo sợ đất vườn bị sạt lở trôi hết ra biển nên tôi cùng người dân đã mua tre về rồi đem ra đóng xuống dọc bờ biển tạo thành bờ kè. Sau đó đổ cát vào chỗ bị sạt lở nhằm giảm sạt lở vào mùa biển động mạnh. Đây chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài cần xây dựng kè cưng mới đảm bảo chống sạt lở”.

Theo ông Truyền, từ khi xảy ra sạt lở, con đường ra biển trở nên khó khăn hơn và việc vận chuyển hải sản từ biển lên cũng khó do hậu quả thiên tai chưa khắc phục. Giờ chỉ cần vài cơn bão nữa thì sóng biển dâng cao sẽ làm sạt lở sâu vào bờ đe dọa đến nhà cửa, đất vườn của gia đình ông. Vì vậy, ông muốn các ngành chức năng cần có biện pháp xây kè cứng để đảm bảo tài sản và tính mạng của người dân thôn Hà Lộc.

sat-lo-bo-bien-3-.jpg
Nhiều ngôi nhà ở thôn Hà Lộc bị sóng biển đánh sạt lở

Trưa 19/11, tại một đoạn bờ biển thôn Hà Lộc dài gần 1km bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến nhà cửa, đất vườn của hộ dân, nhiều đoạn sạt lở tạo hàm ếch sâu hơn 1m. Vì vậy, một số người dân bị ảnh hưởng sạt lở này đã sử dụng các tấm tôn xi măng hoặc cọc tre đóng xuống bờ biển làm bờ kè tạm thời nhằm chống xói lở.

Ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: “Bờ biển thôn Hà Lộc bị sạt lở kéo dài khoảng 1km, đe dọa đến 30 hộ dân ở thôn Hà Lộc, trung bình mỗi năm bờ biển này bị xâm thực vào khoảng 10m. Tình trạng sạt lở này gây cản trở đường vận chuyển hải sản và sinh hoạt của người dân địa phương”.

Theo ông Nguyễn Xuân Luận, chính quyền xã Tam Tiến đã kiến nghị sự việc này với UBND huyện Núi Thành để xin hỗ trợ khắc phục sạt lở, nhằm đảm bảo việc giao thương buôn bán của người dân. Vì chỗ này là chợ cá địa phương vào buổi sáng sớm nên rất đông ngư dân, thương lái đến mua hải sản rồi vận chuyển đi các nơi bán lại. Sau đó, các ngành chức năng có đến kiểm tra, khảo tìm hiểu tình trạng nước biển xâm thực bờ, uy hiếp tài sản, tính mạng của người dân. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hoặc phương án ứng phó với tình trạng sạt lở trên.

sat-lo-bo-bien-5-.jpg
Người dân dùng cọc tre chống sạt lở bờ biển Hà Lộc

Trước sự việc này, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, chính quyền Núi Thành đã báo cáo cho UBND tỉnh Quảng Nam. Sau đó, Sở NNPTNT tỉnh đã đến khảo sát địa hình, tìm hiểu mức độ sạt lở tại bờ biển thôn Hà Lộc. Sau đó Sở NNPTNT nói để báo cáo ra trung ương để xin kinh phí xây dựng kè cứng chống xói lở, chứ nguồn kinh phí huyện không thể nào triển khai xây dựng đoạn bờ kè này được.

Trong khi đó, từ tháng 6 đến nay, hơn 10 hộ dân sống bên bờ sông Côn, đoạn chảy qua thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam luôn sống trong thấp thỏm, lo sợ mất đất ở và đất sản xuất do tình trạng sạt lở bờ sông gây ra.

sat-lo-bo-bien-4-.jpg
Một tuyến đường xuống bến cá Tam Tiến bị sóng biển đánh hư hỏng

Theo nhiều người dân thôn Thái Chấn Sơn cho biết, hiện tượng sạt lở bờ sông đã xảy ra từ lâu, nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ bờ sông sông Côn bị sạt lở nghiêm trọng như năm 2022, dòng chảy của sông đã xâm thực sâu vào đất liền hơn 15m, dài trên 200m bờ sông, làm hơn 4.000 m3 đất sản xuất của khoảng 10 hộ dân của thôn Thái Chấn Sơn sinh sống dọc bờ sông bị cuốn trôi.

Bà Trần Thị Nhơn, trú thôn Thái Chân Sơn, gia đình bà sống sát với khu vực bị sạt lở nên rất lo sợ. Vì vậy, bà mong muốn chính quyền các cấp của huyện Đại Lộc không kịp thời có giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông Côn. Nếu không chỉ vài đợt mưa bão nữa, toàn bộ đất sản xuất và đất thổ cư của gia đình bà cùng các hộ dân khác ở nơi đây sẽ bị sạt lở xuống sông hết.

sat-lo-bo-bien-2-.jpg
Một đoạn bờ sông Côn sạt lở đe dọa đến thôn Thái Chấn Sơn

Ông Tăng Tấn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết, tình trạng bờ sông Côn bị sạt lở lớn, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và đời sống sinh hoạt của các hộ dân sát bờ sông Côn trong đợt mưa bão vừa qua.

“Để giảm thiểu tối đa tình trạng sạt lở bờ sông Côn khu vực đoạn qua thôn Thái Chấn Sơn thì huyện Đại Lộc cần sớm bố trí ngân sách đầu tư xây dựng bờ kè cứng bằng bê tông cốt thép, vì chỉ có kè cứng mới ngăn chặn được tình trạng sạt lở bờ sông Côn ở khúc cua này”, ông Tăng Tấn Tịnh nói.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Chính quyền huyện Đại Lộc cùng các ngành chức năng địa phương đã đi kiểm tra đoạn sạt lở bờ sông Côn, đoạn chảy qua thôn Thái Chấn Sơn và ghi nhận có hơn 200m bờ sông bị sạt lở. Do đó, chính quyền đã yêu cầu UBND xã Đại Hưng cùng người dân khẩn trương đóng cọc tre và trồng tre để giảm tình trạng sạt lở này”.

Theo ông Lê Văn Quang, còn về lâu dài thì UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam cùng các Sở ban ngành của tỉnh để xin kinh phí xây dựng bờ kè cứng ở đoạn sạt lở bờ sông Côn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nỗi lo ‘hà bá’ nuốt làng