Kiên Giang: Trồng rừng phòng hộ chống xâm thực, sạt lở bờ biển

Minh Trang|14/11/2022 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước sự xâm thực của biển, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, đồng thời gây bồi tạo bãi trồng lại rừng.

Tỉnh Kiên Giang nằm trải mình bên vịnh Thái Lan thuộc vùng biển Tây, với trên 200 km bờ biển. Hệ thống đê biển này trước đây chủ yếu được đắp bằng đất và được đai rừng phòng hộ phía ngoài bảo vệ khá chắc chắn.

Tuy nhiên, nhưng năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xói lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng.

Khu vực Mũi Rãnh (xã Tây Yên, huyện An Biên) từng là địa điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang. Một đoạn dài khoảng 5 km bị sạt lở nham nhở, mỗi năm lại lấn sâu thêm vào phía bờ.

Sóng biển đánh vào bờ, không chỉ gây sạt lở đất mà còn cuốn luôn cả rừng phòng hộ ven biển, vốn được coi là “lá chắn” bảo vệ trước biển.

rung-phong-ho.jpg
Kiên Giang đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng nhằm phát triển rừng bền vững

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Kiên Giang, trên tuyến đê biển của tỉnh đang có đến hàng chục điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 82km, tập trung ở khu vực An Biên - An Minh và Hòn Đất - Kiên Lương.

Tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực để trồng lại rừng phòng hộ, song song với việc làm kè chắn sóng, chống sạt lở, gây bồi tạo bãi giúp cây rừng phát triển.

Đã có nhiều dự án trồng rừng ven biển được triển khai nhằm mục đích chắn sóng, hạn chế sạt lở, bảo vệ các khu nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, dự án gây bồi tạo bãi, trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển từ xã Bình Sơn đến xã Bình Giang (huyện Hòn Đất) với diện tích trồng mới 50 ha, bảo vệ 6 km đê biển của hai xã Bình Giang và Bình Sơn.

Dự án gây bồi tạo bãi, trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái (huyện An Biên) đã trồng thành công 35 ha rừng, bảo vệ 3 km đê biển.

Nỗ lực khôi phục diện tích rừng phòng hộ của ngành nông nghiệp và người dân được đền đáp khi các diện tích rừng trồng mới phát triển tốt trên khu vực bãi bồi ven biển, phát huy vai trò chắn sóng, lấn biển.

Cùng với đó là hỗ trợ phát triển sinh kế dưới tán rừng, nuôi tôm sinh thái, nuôi sò huyết hoặc nuôi kết hợp tôm, cua biển… đã giúp nâng cao đời sống cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Cùng với việc trồng lại rừng, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng cũng được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm.

Ông Ngô Thành Nam, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng Kiên Giang cho biết, đơn vị thường xuyên chỉ đạo các Trạm Quản lý bảo vệ rừng hàng tháng xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng trên khắp địa bàn quản lý.

Tăng cường lực lượng từ những khu vực ổn định đến các điểm thường xuyên xảy ra vi phạm lấn chiếm đất rừng.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật đến các hộ dân nhận khoán rừng và người dân sống ven rừng, bằng hình thức họp dân hoặc phát loa di động tuyên truyền kết hợp với việc phát tờ bướm tuyên truyền.

Mới đây, Bộ NN-PTNT cũng đã khởi động triển khai dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau”, với tổng kinh phí lên đến 24 triệu Euro.

Trong đó, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Đức thông qua ngân hàng tái thiết Đức (KFW) là 18 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 6 triệu Euro.

Đây là dự án đầu tiên trong khu vực sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm đạt được các mục tiêu phòng chống thiên tai, chống sạt lở, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng ven biển, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ có khoảng gần 3.000 ha diện tích rừng ngập mặn được phát triển và bảo vệ, cùng với 19 km đê kè chắn sóng được đầu tư, nâng cấp, cải tạo.

Qua đó, góp phần bảo vệ tuyến đê biển, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh trong khu vực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Trồng rừng phòng hộ chống xâm thực, sạt lở bờ biển