Quảng Ngãi: Bảo vệ rừng dừa nước chống biến đổi khí hậu

07/03/2022 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bảo vệ và phát triển những rừng dừa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là yêu cầu cấp thiết hiện nay, không chỉ giúp khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái trong tương lai mà còn góp phần hình thành vành đai rừng phòng hộ bền vững bảo vệ hệ thống đê điều, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để rừng dừa nước phát triển ổn định, những năm qua chính quyền và người dân xã Bình Phước (Bình Sơn) tích cực bảo vệ, chăm sóc, bảo tồn một cách có ý thức. Rừng dừa nước Cà Ninh ở Bình Phước được chọn là nơi phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết, rừng dừa nước có diện tích khoảng 120ha. Trong đó, 70ha là rừng dừa nước lâu năm, còn lại là luồng lạch… tập trung nhiều nhất ở thôn Phú Long. Ở Cà Ninh, không ai nhớ cụ thể cây dừa nước miền Nam bén rễ trên mảnh đất này vào năm nào. Chỉ biết rằng gần trăm năm trước, khi cha ông bôn ba vào Nam mưu sinh, đã mang thứ cây có tán lá xanh mướt lại có thể bén rễ trên sông nước này về đây ươm trồng dọc sông Trà Bồng để ngăn nước lũ làm sạt lở bờ sông. Rừng giữ đất, ngăn nước mặn tiến vào ruộng đồng, nên người dân nơi đây rất trân quý.

Rừng dừa nước Tịnh Khê nhìn từ trên cao phủ màu xanh bạt ngàn

“Trong thời gian tới, rừng dừa nước Cà Ninh được xem là thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương. Mục tiêu là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế cho người dân địa phương chuyển dịch cơ cấu lao động sang thương mại, dịch vụ”, ông Sơn cho hay.

Hiện nay, rừng dừa nước Cà Ninh phát triển tươi tốt, tạo thành lá chắn phòng hộ ven sông, hạn chế nước mặn xâm nhập, bảo vệ đồng ruộng để người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, lá dừa giúp người dân có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Ông Phạm Ngọc Tích (65 tuổi) cho biết: “Rừng dừa có từ thời ông bà để lại. Tôi có hơn 20 ha dừa nước, mỗi ngày thu hoạch và đan hơn 20 tấm lá dừa, bán được khoảng 500 nghìn đồng. Người dân ở đây cắt lá dừa bằng kỹ thuật truyền thống: cây 3 lá thì để lại 1 lá cho cây phát triển và cắt sát bẹ mới tự nhảy cây con được”.

Rừng dừa nước Cà Ninh được người dân chăm sóc, giữ gìn

“Tuy bây giờ con cá, con tôm không còn nhiều như trước nhưng trung bình mỗi đêm, một người dân ở đây cũng đánh bắt được hơn chục ký tôm, cá. Với giá từ 100 – 150 nghìn đồng/kg, cũng kiếm được tiền triệu. Vào mùa mưa, con cá, con tôm xuôi về nhiều thì mỗi người dân có thể đánh bắt được 20 – 30 kg tôm. Rừng dừa nước gắn bó rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ tôi, nơi đây bình yên đến lạ”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, người dân Bình Phước bàỳ tỏ.

Nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) nổi tiếng với rừng dừa nước mênh mông, nơi đây được ví như một tấm lá chắn, hướng ra biển, che chở dải đất liền. Ngày nay, rừng dừa nước là nơi mưu sinh của người dân, từ nghề chằm lá dừa, bán trái dừa, chèo ghe cho khách tham quan,… Ngay từ những năm 1930, người dân rừng dừa Tịnh Khê đã “nương nhờ” khoảnh dừa này để sinh sống, họ bắt cá, bắt cua, lội đầm đi chặt từng lá dừa về chằm lại thành từng tấm lớn lợp mái nhà, mái hiên, chuồng trại. Rồi cũng từ rừng dừa này, trở thành căn cứ cách mạng.

Du khách chèo ghe tham qua ở rừng dừa nước Cà Ninh

Bà Nguyễn Thị Tía là thương binh (thôn Trường Định, xã Tịnh Khê), kể: “Tôi từng tham gia du kích địa phương, du kích ngày xưa ở dọc rừng dừa nước, nơi đây trở thành căn cứ cách mạng, nhiều lần bị bom đạn nhưng vẫn không thể phá hủy rừng dừa. Chúng tôi lội nước sông Kinh, men theo rừng dừa bám trụ đến ngày giải phóng”.

Rừng dừa nước Tịnh Khê ngày nay trở thành sinh kế cho bao con người. Xưa lá dừa dùng để lợp nhà, bây giờ lá dừa được các chủ cửa hàng, quán xá đặt làm mái vì lá dừa mát mẻ, nhiều người ưa chuộng. Mỗi năm rừng dừa được thu hoạch 1 – 2 kỳ, từ tháng Giêng đến tháng 2 và từ tháng 6, tháng 7, tháng 8. Việc thu hoạch thường không kéo dài, chỉ tập trung vào thời điểm nắng nóng để lá dừa nhanh khô.

Rừng dừa nước đã có lịch sử phát triển từ rất lâu, không chỉ mang lại những giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử mà còn là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu cho Quảng Ngãi. Ngày nay, rừng dừa nước là địa điểm tham quan trải nghiệm chèo ghe, tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình.

Ánh Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ngãi: Bảo vệ rừng dừa nước chống biến đổi khí hậu