Trong khi các ngành chức năng nỗ lực chống dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng thì tình trạng chôn, vứt lợn ra môi trường vẫn tái diễn. Trên dòng sông Thoa gần 2km, đoạn qua xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, mùi hôi nồng nặc. Lợn chết nghi nhiễm dịch tả châu Phi trôi trên sông, một số tấp vào bờ.
Nhiều con lợn chết hơn một tạ đang trong tình trạng thối rữa, phân hủy bốc mùi. Tại chân cầu Đập, cầu Dầm trên tuyến đường tránh quốc lộ 1A qua huyện Mộ Đức, nhiều bao tải đựng lợn chết vứt dưới chân cầu. Trên bờ đê, chân cầu, lợn chết nằm chỏng chơ cũng trong tình trạng bốc mùi, phân hủy.
Bà Ngô Thị Phương, ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, cho biết, nhiều người mang lợn chết đến vứt dưới cầu, trên sông để trôi đi. Những ngày qua, bà con đi làm đồng không thể chịu được mùi hôi từ lợn chết phân hủy.
“Không biết họ mang ở đâu mà bỏ trên sông đó. Họ bỏ bao ném xuống sông vài ngày là bao trôi còn xác thì tấp vô bờ. Khiếp lắm. Tụi tôi đi làm đồng không chịu được. Kiểu này bệnh hết thôi”, bà Phương bức xúc.
Tại tuyến kênh Thạch Nham N8, đoạn giáp ranh giữa xã Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành) và xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) thời gian gần đây xuất hiện tình trạng lợn chết bị vứt xuống kênh rồi theo dòng nước chảy mắc kẹt tại nhiều cống, rãnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc gây bức xúc cho người dân xung quanh.
Lợn chết vứt trên bờ đê sông Thoa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi
Theo ông Trần Như Sáu, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, các thôn xóm được hướng dẫn các biện pháp phòng tránh nên rất sợ lợn dịch lây bệnh. “Địa phương các nơi đem tới rải đầy, lan tràn hết khiến dân ở đây chịu. Lợn chết thả xuống sông thì vịt, gà lợn bò chăn nuôi sẽ bị bệnh. Rồi cả ô nhiễm môi trường nữa, làm sao chịu được”, ông Sáu bất an.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi đã có gần 3.045 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, trong đó, đã tiêu hủy 2.985 con. Tại huyện Mộ Đức, dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở các trại chăn nuôi nhỏ lẻ khiến hơn 1.250 con phải tiêu hủy. Nhiều thôn xã bị nhiễm bệnh nên việc xử lý, tiêu hủy rất khó khăn. Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân cho biết, khó khăn nhất hiện nay là công tác xử lý, tiêu hủy lợn dịch bệnh. “Lực lượng mỏng nên phải huy động dân quân, công an để hỗ trợ di chuyển lợn chết. Bên cạnh đó phải dùng xe nhỏ, thô sơ vào ngõ xóm vận chuyển lợn chết nên không bảo đảm an toàn”.
Tại hai bên bờ sông Thoa (đoạn qua xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức), tình trạng xác lợn vứt bừa bãi cũng làm người dân rất bức xúc. Xác lợn chết được bỏ vào trong bao tải hoặc vứt vào bụi cây, thả sông, dưới chân cầu…
Theo ông Ngô Hữu Hạ – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Việc người dân thiếu ý thức ngang nhiên vứt xác lợn chết ra kênh, sông, làm ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu nghiêm trọng, và có thể lây lan dịch trên diện rộng.
“Khi có lợn chết, các hộ chăn nuôi phải báo cho cán bộ thú y địa phương, tiến hành tiêu hủy. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y”, ông Hạ nói
Hiện tại, Chi cục đã làm việc với huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức, chỉ đạo nhân viên thú y, các xã tiến hành thu gom, đào sâu xử lý hóa chất, chôn lấp tại chỗ, không di chuyển đi xa để giảm phát tán dịch bệnh ra môi trường.
Bình Minh (t/h)