Quảng Ngãi: Về Mộ Đức trải nghiệm du lịch cộng đồng

Gia Hân|01/05/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với thế mạnh và tiềm năng về nông nghiệp, kinh tế biển cùng nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều cơ hội để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, gắn với chăm sóc sức khỏe, tìm hiểu văn hóa, lịch sử;, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Mới đây, tại xã Đức Tân (Mộ Đức), chính quyền địa phương đã tổ chức Lễ hội ngày mùa với chủ đề “Tinh hoa lúa nước” lần thứ 2. Lễ hội tái hiện cảnh làng quê xưa, tôn vinh nghề trồng lúa nước, chế biến lương thực từ lúa gạo... Đây là điểm nhấn của sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương. Tại đây, đông đảo học sinh, người dân ở địa phương và du khách cùng trải nghiệm nhiều hoạt động như gặt lúa, suốt lúa, giê lúa cùng các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đi cầu khỉ, trò chơi bắt cá... Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân Trần Lê Vương Vũ cho hay, chúng tôi sẽ duy trì tổ chức hoạt động lễ hội ngày mùa hằng năm nhằm mục đích tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, kết nối mô hình du lịch cộng đồng tại xóm Cây Gạo, tạo nên điểm đến mang đậm bản sắc đồng quê, thu hút du khách.

5e96a822-c01b-4720-9559-f3ad653dec41.jpeg
Lễ hội Ngày mùa thu hút rất đông các em học sinh và du khách

Huyện Mộ Đức được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khu lưu niệm ở gần sông Thoa, ngay khu du lịch cộng đồng xóm Cây Gạo, xã Đức Tân. Mỗi năm, khu lưu niệm đón hơn 50 nghìn lượt khách đến tham quan. Mộ Đức còn được biết đến là vựa lúa mẫu, điển hình của tỉnh. Bên cạnh đó, huyện Mộ Đức có nhiều bãi biển đẹp thích hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Nơi đây còn có nguồn nước khoáng nóng tự nhiên ở cánh đồng thôn Thạch Trụ, xã Đức Lân, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như hồ Đá Bàn, giếng Tiên, hồ Hóc Sằm, thác Mơ... Trên địa bàn huyện còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa thuận lợi cho việc khai thác, phát triển du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Võ Lâm cho biết, huyện đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong huyện phát triển để nâng cao đời sống người dân. UBND huyện đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện phấn đấu năm 2025 đón khoảng 198 nghìn lượt khách và năm 2030 đón khoảng 385 nghìn lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch đến năm 2025 ước đạt trên 109 tỷ đồng và đến năm 2030 ước đạt trên 290 tỷ đồng.

Trong năm 2023, huyện Mộ Đức tập trung xây dựng điểm du lịch cộng đồng xóm Cây Gạo gắn với việc phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Huyện sẽ mở lớp truyền dạy hát hố, hát bài chòi tại xóm Cây Gạo; duy trì tổ chức các hoạt động, sự kiện lễ hội ngày mùa; đầu tư phát triển các vườn mẫu tại xóm Cây Gạo, để phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, tập trung cải tạo môi trường, cảnh quan ở thị trấn Mộ Đức phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị thương mại, dịch vụ; kêu gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe tại điểm nước khoáng nóng ở thôn Thạch Trụ, xã Đức Tân. 

Cùng với đó, huyện Mộ Đức đang xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại thôn An Mô, xã Đức Lợi; nâng cao chất lượng phục vụ và dịch vụ ăn uống tại các điểm kinh doanh dọc các bãi biển. Chỉnh trang, nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ hiện có và kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái tại suối Hốc Vực, xã Đức Phú; phát triển loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm mô hình chăn nuôi bò sữa, trải nghiệm các công đoạn sản xuất tại Trang trại bò sữa Vinamilk ở xã Đức Phú... Huyện Mộ Đức quyết tâm đến năm 2030 cơ bản trở thành điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch chăm sóc sức khỏe của tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ngãi: Về Mộ Đức trải nghiệm du lịch cộng đồng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.