Là một tỉnh ven biển thuộc khu vực chịu ảnh hưởng không nhỏ trước những hiện tượng biến đổi khí hậu và có nguy cơ ảnh hưởng cao về nước biển dâng, tỉnh Quảng Ninh phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như diễn biến thời tiết bất thường, tình trạng nắng nóng, mưa, lũ, ngập lụt kéo dài, xâm nhập mặn… Những hiện tượng bất thường trên làm ảnh hưởng đến môi trường sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và cộng đồng cư dân ven biển nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp về thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Sản xuất nông sản theo quy trình, kỹ thuật và công nghệ cao, giảm phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết.
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực khá “mẫn cảm” với biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, để chủ động ứng phó với diễn biến khắc nghiệt của thời tiết và những tác động tiêu cực của BĐKH, ngành Nông nghiệp tỉnh đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT…
Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững; các mô hình ứng dụng tiến bộ về phòng trừ sâu bệnh và canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, sinh học; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để ứng phó với BĐKH có hiệu quả.
Trong đó, phát triển và chọn tạo các giống cây trồng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt, bảo tồn các giống cây trồng địa phương, thành lập ngân hàng giống. Nhất là, tập trung phát triển những giống cây trồng chịu được sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn, chịu ngập lụt phù hợp tại từng vùng; tăng cường các biện pháp giữ ẩm bằng che phủ, nghiên cứu các giống rau màu, cây công nghiệp và cây lâu năm có khả năng chịu hạn, chịu mặn, chịu sâu bệnh trong điều kiện gia tăng sâu bệnh do thời tiết thay đổi.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh công tác chọn giống, tiến hành nghiên cứu, sàng lọc, chọn lựa được tập đoàn giống, nhóm giống có năng suất sinh học cao, vừa thích nghi với điều kiện từng vùng sinh thái, vừa có tính kháng bệnh cao; có các biện pháp duy trì sự ổn định, tăng cường kiểm soát dịch bệnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra phòng dịch; chủ động trong công tác cung cấp thức ăn, tăng cường đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, mang tính sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế…
Một trong những hiện tượng BĐKH rõ nét nhất là nước biển dâng cao, đe dọa thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đầu tư nhiều dự án củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển là những “bức tường xanh” bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn…
Để thích ứng với BĐKH, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung quản lý, khôi phục, trồng mới rừng ngập mặn; thiết lập các vùng đệm để rừng ngập mặn có thể phát triển lấn vào khi mực nước biển dâng cao. Hạ tầng thủy lợi tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhằm nâng cao năng lực tưới, tiêu, cấp nước và ứng phó với BĐKH.
BĐKH luôn có những tác động khó lường đối với sản xuất nông nghiệp. Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh, các cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai; nhanh chóng hoàn thiện và triển khai Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BĐKH, nhằm nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó, thích ứng với BĐKH trong cộng đồng; ứng dụng KHCN, sản xuất tập trung, coi đây là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết và chủ động kiểm soát dịch bệnh.
Châu Anh