Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 3.

Ngọc Ánh (t/h)|31/07/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa có công văn gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, quận và các ngành, các đơn vị về việc phòng chống áp thấp nhiệt đới và bão.

Dự báo, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão gây mưa lớn diện rộng và đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương ven biển khẩn trương thông báo cho các thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi và diễn biến của bão; tổ chức rà soát số lượng tàu thuyền đang di chuyển trong vùng nguy hiểm trên Biển Đông để hướng dẫn phòng tránh; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, các lồng bè nuôi thủy sản, hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tại bến, nhất là khu vực neo đậu tránh trú bão, neo đậu quanh các đảo; chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các cầu, khách du lịch trên đảo.

Đối với huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn cần khẩn trương rà soát khách du lịch trên các đảo để triển khai phương án đảm bảo an toàn; tùy vào diễn biến của bão, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện lệnh cấm biển.

Đối với các khu vực miền núi cần khẩn trương rà soát khu dân cư ven sông, ven suối, gần bãi thải khai thác khoáng sản của ngành than, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng, ngầm, tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động cảnh báo, sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực đã có mưa to, sạt lở, ngập lụt trong thời gian qua.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố, tổ dân; đặc biệt lưu ý các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao khi có bão. Cử người trực, canh gác 24/24 giờ thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có lũ xuất hiện.

Thành phố Hạ Long phối hợp, yêu cầu các chủ đầu tư các dự án đang thi công có ngay các biện pháp hạn chế tối đa bùn, đất và nước tràn xuống đường quốc lộ và khu vực dân cư khi có mưa lớn và có trách nhiệm xử lý ngay hậu quả do dự án mình gây lên; rà soát xử lý không để xảy ra các điểm ngập úng, trong đó có phường Bạch Đằng, Hồng Hà, Hà Tu, Hà Khánh, Cao Thắng, Bãi Cháy.

Còn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hải Phòng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các quận, huyện đơn vị cần theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến và thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi và không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và duy trì liên lạc với các tàu thuyền.

Đồng thời, chủ động kiểm tra hệ thống đê điều, kênh mương, công trình tiêu thoát nước để chủ động vận hành. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố để kịp thời ứng phó với tình huống xấu nhất xảy ra.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 3.