Quảng Ninh: Lan tỏa phong trào 'Tết trồng cây' tại huyện Ba Chẽ

Linh Chi|20/02/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây” năm 2023 với hơn 23ha rừng trải dài trên 11 xã được phủ xanh bởi các loại cây như giổi xanh, lim xanh và lát hoa.

Thực hiện Kế hoạch số 303/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa và trồng 2.000 ha lim, giổi, lát năm 2023; cùng với các địa phương trong toàn tỉnh, huyện Ba Chẽ đã tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây” năm 2023 với hơn 23ha rừng trải dài trên 11 xã được phủ xanh bởi các loại cây như giổi xanh, lim xanh và lát hoa.

Đây đều là những giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và đang được UBND huyện Ba Chẽ vận động nhân dân trồng thay thế cho keo, bạch đàn với kỳ vọng cải thiện đời sống của đồng bào vùng dân tộc miền núi về lâu dài.

“Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Hơn 60 năm kể từ khi được Bác Hồ phát động vào tháng 11/1959, đến nay, phong trào “Tết trồng cây” đã lan tỏa rộng rãi, trở thành hoạt động thường niên của các địa phương, đơn vị và người dân tỉnh Quảng Ninh.

Hưởng ứng phong trào này, cứ mỗi dịp đầu xuân mới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Chẽ đều đồng loạt ra quân thực hiện trồng cây xanh nhằm góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

quang-ninh.jpg
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, huyện Ba Chẽ cùng bà con trồng câytại Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão 2023.

Theo ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ, trên địa bàn huyện hiện có hơn 36.000ha rừng trồng và đã trồng được gần 1.000ha lim, lát, giổi. Với quyết tâm xây dựng huyện trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp, dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, năm 2023, huyện Ba Chẽ phấn đấu đạt trên 3.000ha rừng tập trung, duy trì độ che phủ rừng đạt 72%, phấn đấu trồng trên 420ha lim, lát, giổi và trên 520ha cây bản địa.

Phát huy truyền thống tốt đẹp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trong dịp đầu xuân năm mới; trong nhiều năm qua, huyện Ba Chẽ luôn xác định việc trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau. Đồng thời xác định được vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của ngành lâm nghiệp, cùng với việc trồng mới các loại cây gỗ lớn, huyện Ba Chẽ cũng tập trung tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết chuyên đề số 19-NQ/TU “Về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030” cũng như Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh của tỉnh. Cùng với đó, huyện cũng tập trung triển khai nhiều đề án, chương trình phối hợp giao đất giao rừng để cùng người dân thực hiện chủ trương trồng cây gỗ lớn lâu năm, phủ xanh vùng phía Đông của tỉnh.

Riêng với Ba Chẽ, địa phương có diện tích rừng tập trung lớn nhất trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là cách làm hiệu quả để địa phương này lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân đối với môi trường và cộng đồng xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ rừng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Không chỉ đơn thuần để có thêm cây xanh, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, “Tết trồng cây” mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ và cải tạo môi trường sống của con người, nhất là trước thực tế Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ninh: Lan tỏa phong trào 'Tết trồng cây' tại huyện Ba Chẽ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.