Quảng Ninh: Phấn đấu trồng 2.000 ha cây có giá trị kinh tế cao trong năm 2023

Hoàng Anh|28/01/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 27/1/2023 (tức ngày mùng 6 Tết Quý Mão), toàn tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023 tại tất cả các địa phương, với mục tiêu năm 2023 sẽ trồng 2.000 ha cây có giá trị kinh tế cao như lim, dổi, lát… trên địa bàn tỉnh.

Nét khác biệt trong Tết trồng cây năm nay của Quảng Ninh là các địa phương tổ chức lễ phát động trồng cây trong một ngày, có sự tham dự và trực tiếp trồng cây xanh trên thực địa của các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Loại cây trồng trong Tết trồng cây năm nay chủ yếu là các loại cây bản địa, ưu tiên cây lim, giổi, lát, ngoại trừ huyện Cô Tô và Thị xã Quảng Yên có thể trồng cây phân tán phù hợp tính chất đô thị, do 2 địa phương này tỉnh không giao chỉ tiêu trồng lim, giổi, lát.

trong-cay.jpg
Lễ phát động Tết trồng cây nhằm hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động 

Tinh thần của Tết trồng cây năm nay là trồng cây gây rừng, trồng với số lượng lớn, tập trung, chất lượng cây sống sau trồng đạt cao nhất, thúc đẩy quá trình phát triển của cây, tạo ra những cánh rừng cây xanh từ hoạt động Tết trồng cây.

Tại lễ phát động, các đại biểu đã trồng 4.000 cây xanh, chủ yếu là cây lát hoa. Đây là loài cây phù hợp để phát triển thành rừng cây gỗ lớn, từng bước hoàn nguyên, phục hồi môi trường, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.

Tại Lễ phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trồng trên 100.000 cây. Hết quý I/2023, phấn đấu trồng 1 triệu cây các loài lim, giổi, lát và cây bản địa, cây gỗ lớn. Riêng tại TP.Cẩm Phả, trong dịp Tết trồng cây năm 2023 phấn đấu mục tiêu trồng 8.000 cây và toàn đợt trồng 80.000 cây là các loại cây lim, giổi, lát.

Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về trồng cây, gây rừng, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên. Qua đó, nâng cao chất lượng môi trường, nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần thực thi những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và lần thứ 27 (COP27) của Việt Nam.

Đồng thời đây là tiền đề để sớm hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 trồng mới ít nhất 2.000ha lim, giổi, lát ở những địa bàn có điều kiện và nâng lên 5.000ha vào năm 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Phấn đấu trồng 2.000 ha cây có giá trị kinh tế cao trong năm 2023