Quảng Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đột phá

Minh Kiên|13/06/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã dồn sức huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, nhất là ưu tiên cho các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Thời gian qua, Quảng Ninh được biết đến là địa phương điển hình trong phát triển hạ tầng giao thông ở cả nước. Với tư duy đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển bền vững, tỉnh đã nhận diện được những thách thức, hạn chế về cơ sở hạ tầng…, từ đó đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Quảng Ninh đã và đang xây dựng tuyến cao tốc dọc tỉnh dài gần 200km, sở hữu cảng tàu khách quốc tế, sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên ở Việt Nam…

Tỉnh Quảng Ninh quy hoạch sắp xếp lại cảng và bến thủy nội địa tiêu thụ than, xóa bỏ các bến, bãi chế biến và xuất khẩu than nhỏ lẻ dọc ven bờ vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long và tại khu vực Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ; xây dựng tuyến đường chuyên dụng vận chuyển than, thay đổi dần phương thức vận chuyển than bằng ô tô sang các phương thức vận tải khác (như vận chuyển bằng băng tải, đường sắt) nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; chấm dứt các hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời, clinke, xi măng, gỗ dăm trên vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã di dời thành công các làng chài trên vịnh Hạ Long về khu tái định cư tại phường Hà Phong (thành phố Hạ Long), di dời các nhà bè kinh doanh không theo quy hoạch trên vịnh Hạ Long nhằm bảo vệ môi trường biển, vịnh Hạ Long được an toàn.

Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn khơi thông dòng chảy giao thông.

Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Quảng Ninh là rất cần thiết. Bởi, phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh một cách đồng bộ, liên hoàn sẽ điều chỉnh kịp thời những thay đổi trong thời gian qua, cập nhật theo các quy hoạch, chiến lược quốc gia, phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh.

Quảng Ninh đang gấp rút triển khai lập, bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, với vai trò là cơ quan tham mưu về lĩch vực GTVT, Sở đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng, tổng hợp các báo cáo, đề xuất theo hướng bám sát kế hoạch, mục tiêu phát triển của tỉnh. Quan điểm phát triển mạng lưới giao thông đó là sẽ tiếp tục tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh. Bởi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.

Theo đó, sẽ tập trung phát triển mạng lưới hệ thống GTVT theo hướng đồng bộ, hiện đại phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong giao thương với các nước Đông Bắc Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và điểm kết nối của khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sẽ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, tuyến có tính kết nối như: Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ cao tốc Hạ Long – Móng Cái, kêu gọi đầu tư cao tốc Lạng Sơn – Tiên Yên, cao tốc Nội Bài – Hạ Long.

Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, chú trọng đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh trọng yếu trên địa bàn tỉnh; xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng biển theo quy hoạch của Bộ GTVT phục vụ vận tải hàng hóa (đặc biệt hàng xuất khẩu) và vận tải du lịch; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hướng trở thành đầu mối vận chuyển hành khách và nơi trung chuyển, vận tải hàng hóa của khu vực; tiếp tục phát triển các sân bay taxi phục vụ du lịch.

Phương án phát triển mạng lưới giao thông tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện nhằm mục tiêu điều chỉnh kịp thời những thay đổi trong thời gian qua, cập nhật theo các quy hoạch, chiến lược của quốc gia, phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh. Đây là cơ sở để đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông hợp lý và thống nhất trong toàn tỉnh, có quy mô phù hợp với từng vùng, từng địa phương, hình thành những trục giao thông kết nối các cụm, khu vực phát triển kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có và phát triển năng lực của ngành GTVT.

Ngày đầu tiên năm mới 2021, cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương chính thức được thông xe và đưa vào khai thác sau 14 tháng xây dựng. Việc hoàn thành công trình đồng bộ với nâng cấp, thông tuyến đường 389, cầu Mây đã rút ngắn quãng đường di chuyển từ TX Đông Triều với Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cũng như với tỉnh Hải Dương, các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Hà Nội.

Bên cạnh đó, bám sát các kế hoạch chiến lược, gắn với Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở GTVT đã tham mưu với tỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông kết nối mang tính chất liên vùng, như: Đường ven sông nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả giai đoạn 2, giai đoạn 3 kết nối với Vân Đồn; cầu Cửa Lục 1, 2, 3 và các cầu kết nối vùng (TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương…) như cầu Bến Rừng, cầu Triều…

Tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương phối hợp với TP Hải Phòng xúc tiến đầu tư cầu Bến Rừng. Đây là công trình quan trọng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông 2 địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh quy hoạch sắp xếp lại cảng và bến thủy nội địa tiêu thụ than, xóa bỏ các bến, bãi chế biến và xuất khẩu than nhỏ lẻ dọc ven bờ vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long và tại khu vực Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ; xây dựng tuyến đường chuyên dụng vận chuyển than, thay đổi dần phương thức vận chuyển than bằng ô tô sang các phương thức vận tải khác (như vận chuyển bằng băng tải, đường sắt) nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; chấm dứt các hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời, clinke, xi măng, gỗ dăm trên vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã di dời thành công các làng chài trên vịnh Hạ Long về khu tái định cư tại phường Hà Phong (thành phố Hạ Long), di dời các nhà bè kinh doanh không theo quy hoạch trên vịnh Hạ Long nhằm bảo vệ môi trường biển, vịnh Hạ Long được an toàn.

Như vậy, các dự án hạ tầng giao thông mới được lựa chọn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn sẽ đáp ứng kịp thời kế hoạch phát triển của tỉnh, tạo bứt phá mới, diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại – thuận lợi – hiệu quả – an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.

Minh Kiên 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đột phá