Quảng Ninh: Tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu

31/12/2015 08:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – “

Quảng Ninh là một trong các tỉnh ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu, rất dễ bị ảnh hưởng lớn trước tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới”- Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở TN&MT Tỉnh Quảng Ninh trong cuộc trao đổi với Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

anh cuong

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh

MT&CS: Là một tỉnh ven biển chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), vậy Tỉnh ủy và chính quyền Quảng Ninh đã có những hành động thiết thực nào để ứng phó với BĐKH? Những việc làm đó đã mang lại kết quả như thế nào?

ÔngNguyễn Mạnh Cường: Tỉnh ủy và chính quyền Quảng Ninh luôn nhận thức tỉnh mình là một trong các tỉnh ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu, rất dễ bị ảnh hưởng lớn trước tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới. Chính vì thế mà các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã quyết liệt đề ra và thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH:

Tập trung xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án, đề tài, dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Chẳng hạn như quy hoạch về quản lý chất thải rắn, quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải các đô thị; xây dựng đề án điều tra, thống kê, phân loại chất thải nguy hại; dự án nghiên cứu ứng phó sự cố tràn dầu, bản đồ nhạy cảm đường bờ … mà thể hiện rõ nhất ở 7 quy hoạch chiến lược của Tỉnh do các Tư vấn hàng đầu thế giới tham gia, có ý kiến của đông đảo người dân trong tỉnh và đã được các bộ ngành thẩm định. Nhiều chương trình hành động và đề án cải tạo môi trường trong thời gian tới cũng được Tỉnh quan tâm và lên chương trình thực hiện đúng kế hoạch.

Tăng cường chi phí cho công tác bảo vệ môi trường. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã cùng ngành than chi hàng ngàn tỷ đồng cho hoạt động bảo vệ và cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động và tích cực hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, kêu gọi đầu tư cho các dự án, đề án môi trường.

Triển khai các chương trình bảo vệ và trồng rừng ngập mặn nhằm ứng phó với nước biển dâng, triều cường, xói lở bờ đê, tăng bể hấp thụ và giảm khí thải nhà kính. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng xác định phòng ngừa mới là gốc rễ của vấn đề nên đã xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động trên phạm vi toàn tỉnh; rà soát, sắp xếp các cảng, bến thủy nội địa và các tuyến đường vận chuyển than trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Nhiều Dự án truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh về BĐKH (tổng kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng) đã được thực hiện trong thời gian qua.

MT&CS: Hiện tượng nước biển dâng, nhiệt độ tăng lên và diễn biến thời tiết khá phức tạp, điều đó đã ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh ta, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Theo những số liệu và đánh giá của tỉnh thì trong 30 năm qua, nhiệt độ trung bình năm và tổng lượng mưa năm tại Quảng Ninh có xu hướng tăng theo thời gian. Nhiệt độ thấp nhất đã xuống tới 0,8oC, nhiệt độ cao nhất đã lên tới 38,8oC, lượng mưa ngày lớn nhất đo được là 697mm. Trước ảnh hưởng của BĐKH, các vùng, địa phương trong tỉnh dễ bị tổn thương, nhất là 8 địa phương ven biển. Biến đổi khí hậu cũng đã tác động đến các ngành, lĩnh vực của tỉnh, đặc biệt là ngành nuôi trồng thuỷ sản (chủ yếu ở Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái…); ngành nông nghiệp (chủ yếu là trồng trọt ở huyện Đông Triều, Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà…); lâm nghiệp (huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hoành Bồ…); ảnh hưởng đến lĩnh vực tài nguyên nước, công nghiệp, xây dựng – đô thị và năng lượng.

Do thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là trận mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh (từ ngày 25/7 đến 05/8/2015) với tổng lượng mưa ở các địa phương ghi nhận được từ 400-1.600mm, gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân, các công trình hạ tầng kỹ thuật, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổng thiệt hại ước tính 2.700 tỷ đồng, riêng ngành than thiệt hại khoảng 1.200 tỷ. Song do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh quyết liệt, kịp thời và sát thực tiễn; được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tinh thần chủ động của các đơn vị, địa phương và nhân dân; cùng với sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nên đã sớm ổn định tình hình. Quảng Ninh đã nhận được sự ủng hộ, những tấm lòng hảo tâm của Trung ương, các tổ chức, cá nhân và nguồn của tỉnh trên 300 tỷ đồng để tập khắc phục hậu quả mưa lũ. Đến nay, đời sống của nhân dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường.

Dù phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, song năm 2015 kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 11%, cao nhất trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cao hơn mặt bằng chung của cả nước (6,5%), đặc biệt là cao nhất trong những năm trở lại đây (năm 2012 tăng 7,4%; năm 2013 tăng 7,5%; năm 2014 tăng 8,8%). Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 33.350 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 19.650 tỷ đồng, luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách trong cả nước.

MT&CS: Mong ông chia sẻ những khó khăn, bất cập của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu? Và thời gian tới, tỉnh tập trung những biện pháp gì nhằm ứng phó với BĐKH?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Các đồng chí đã biết, trong thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ môi trường, phòng chống tác hại của BĐKH. Tuy nhiên công tác này cũng vấp phải nhiều khó khăn. Khó khăn này xuất phát từ đặc thù vị trí địa lý, địa hình của tỉnh với diện tích tự nhiên trải dài, địa hình bị chia cắt, dân cư phân bố không đồng đều; có 8/14 địa phương là huyện miền núi, hải đảo (trong đó, 113 xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo; 24 xã và 31 thôn, bản đặc biệt khó khăn), có nhiều huyện, thị, thành phố ven biển (trong đó có 8 xã dưới mực nước biển); Quảng Ninh lại là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên biển, trên bộ giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nên bị ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái, ô nhiễm môi trường toàn cầu. Mặt khác, do hậu quả của quá trình khai thác than thiếu quy hoạch đồng bộ hàng trăm năm để lại; ảnh hưởng từ các bãi thải khai thác than đến khu dân cư cùng với sự phát triển công nghiệp và tốc độ đô thị hóa quá nhanh do Quảng Ninh là trung tâm khai thác than, điện, xi măng của cả nước… Trong khi đó một số ngành, địa phương có nhận thức về BĐKH còn chưa đầy đủ; thiếu sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ.

anh 3(2)

Tuy nhiên, những khó khăn đó cũng đang được Tỉnh uỷ và các cấp chính quyền khắc phục trong thời gian sớm nhất với một số biện pháp cơ bản sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền rộng rãi trên các kênh thông tin, báo chí (Báo, Đài, Cổng Thông tin điện tử, các hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân khu phố….) 

Tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai các Đề án tổng thể, Đề án di dân và các Quy hoạch trọng điểm để khắc phục hậu quả môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai và quản lý có hiệu quả các dự án ưu tiên đã được xác định trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các Chương trình hành động quốc gia và của Tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng vào Chương trình số 19-CTr/TU của Tỉnh ủy ngày 10/9/2013 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

MT&CS:   Xin cám ơn ông!

Hùng Thắng( Môi trường & Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ninh: Tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.