Quảng Trị: Đề xuất thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ

Hạ Vy|13/10/2022 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đề án thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ nhằm bảo tồn di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên đảo, với tổng diện tích hơn 133 ha. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 dự kiến hơn 9,3 tỷ đồng.

dao-con-co.jpg
Đảo Cồn Cỏ có 3 kiểu thảm thực vật chính, rừng thường xanh đất thấp, dạng thảm cỏ và cây bụi rậm.

Chiều 12/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng nghe báo cáo kết quả thẩm định đề xuất thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ.

Theo đó, Đề án thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ có mục đích nhằm bảo tồn di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên đảo, với tổng diện tích hơn 133 ha. Trong đó diện tích đất có rừng là gần 98ha với các phân khu: bảo vệ nghiêm ngặt (32,8%), phục hồi sinh thái (59,3%), khu tham quan du lịch (7,9%).

Đề án gồm các chương trình hoạt động cụ thể, như: Bảo vệ rừng và bảo tồn với việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị trên đảo bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện có; chương trình phục hồi sinh thái rừng với các hoạt động xây dựng vườn ươm và trồng rồng; chương trình nghiên cứu khoa học; tuyên truyền giáo dục, tham quan, du lịch sinh thái và chương trình phát triển xã hội. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 hơn 9,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ trong thời gian tới còn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương thông qua việc khai thác hợp lý các sản phẩm tự nhiên từ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái.

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Việc thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ là cần thiết nhằm góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng cũng như phù hợp với các yếu tố về quốc phòng an ninh trên đảo.

Chính vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, đánh giá, bổ sung các nội dung liên quan trên cơ sở tham khảo các quy định về Luật Quy hoạch 2017, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học để làm cơ sở pháp lý đúng quy định.

Đồng thời, lấy ý kiến của các đơn liên quan nhằm làm rõ nội dung về giải pháp, thực trạng, ranh giới, hiệu quả môi trường, lâm sinh, khoa học công nghệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh các loài động vật, thực vật bản địa; các giải pháp làm giàu từ rừng, phát triển du lịch... để đề án đủ sức thuyết phục, phát huy hiệu quả đầu tư, có điểm nhấn trình hội đồng thẩm định xem xét.

Theo các nhà nghiên cứu, đảo Cồn Cỏ có 3 kiểu thảm thực vật chính, rừng thường xanh đất thấp, dạng thảm cỏ và cây bụi rậm. Kiểu rừng thường xanh đất thấp đặc trưng bởi các loài Cồng (Mù u) Calophyllum inophyllum, Chò xanh Terminalia catappa và Lộc vừng Barringtonia asiatica. Tất cả có đến 118 loài thực vật đã ghi nhận được trên đảo.

Bài liên quan
  • Lào Cai: Phủ xanh đồi hoang hóa nhờ làm tốt dịch vụ môi trường rừng
    Nhận khoán bảo vệ rừng, người dân tỉnh Lào Cai mỗi năm lại có thêm thu nhập từ nguồn tiền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng song cái được lâu dài chính là nhiều triền đồi hoang hóa nhờ đó được phủ xanh bằng cây lâm nghiệp. Rừng được bảo vệ và phát triển, môi trường sống từng bước được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Trị: Đề xuất thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.