Quảng Trị: Phập phồng nỗi lo sạt lở bờ sông

06/11/2017 01:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Bờ sông bị sạt lở kéo theo đất ở, đất sản xuất, nhà cửa, công trình phụ, cây cối, hoa màu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực trạng ấy khiến người dân sống ở các xã Triệu Đông, Triệu Giang, Triệu Thượng… của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vô cùng lo lắng.

Quảng Trị: Phập phồng nỗi lo sạt lở bờ sông

Nhiều năm nay, bà Đoàn Thị Hiền (80 tuổi), trú tại xóm Rào Hạ, thôn Đâu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong hiếm khi có giấc ngủ ngon. Định cư ở mảnh đất này gần cả đời người, bà Hiền rất lo lắng khi thấy bờ sông bị sạt lở dần. Trước kia, khu vườn nhà bà Hiền cách bờ sông khoảng 15m. Thế nhưng giờ đây, sông Thạch Hãn đã lấn sâu vào đất thổ cư, kéo cả bờ tre, vườn cây ăn quả, hoa màu… xuống nước. Bà Hiền lo ngại chỉ sau vài trận lũ lụt lớn, dòng chảy sẽ áp sát nhà mình. Lúc đó, bà và con cháu không biết phải sống ở đâu.

“Tôi sợ mất đất, mất nhà đến mức chẳng thể ngủ ngon. Năm nay tôi 80 tuổi rồi. Chỉ mong cấp trên hỗ trợ cho người dân xóm Rào Hạ chúng tôi làm kè chống sạt lở để bảo vệ bền vững đất đai làng xóm”, bà Hiền kiến nghị. Trên địa bàn xã Triệu Long, các thôn, xóm nằm dọc bờ sông Thạch Hãn như Rào Hạ, Rào Thượng, Đại Lộc Hạ, Bồi, Cồn, Bích La Thượng, Tân Định… đều xảy ra sạt lở, trong đó xóm Rào Hạ là một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước đây, dọc bờ sông, người dân trong xóm đóng góp tiền làm một con đường bê tông rộng rãi để thuận tiện đi lại. Thế nhưng con đường cũ giờ đã hoàn toàn mất dấu. Người dân xóm Rào Hạ từng trồng tre dọc bờ sông đến đắp bao tải đất nhưng vẫn không hạn chế được nạn sạt lở. Ông Đoàn Văn Phước (75 tuổi), một người dân địa phương chia sẻ: “Trước đây, tình trạng sạt lở có diễn ra nhưng không nghiêm trọng như những năm gần đây.

Theo chúng tôi thấy, từ khi có đập Hậu Kiên, bờ sông sạt lở nghiêm trọng hơn. Riêng nhà tôi mất 1.500 m2 đất sản xuất. Chúng tôi rất mong cấp trên hỗ trợ người dân làm kè chống sạt lở hoặc sớm di dời, tái định cư”. Tại xã Triệu Giang, nhiều hộ dân sống dọc bờ sông thuộc thôn Trà Liên Đông, Trà Liên Tây, Tiền Kiên, Tả Kiên cũng đang trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước để giải quyết nỗi lo sạt lở. Dù dự án làm kè chống xói lở được phê duyệt, người dân thống nhất giải phóng mặt bằng đã lâu nhưng đến nay việc xây dựng kè vẫn chưa được tiến hành.

Trong khi đó, người dân ở vùng bị sạt lở của xã Triệu Giang chưa thể di dời lên vùng gò đồi Phước Mỹ vì dự án tái định cư gặp vướng mắc. Ông Phan Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Giang cho biết: “Tình trạng sạt lở dọc sông Thạch Hãn, đoạn qua địa bàn xã gây mất đất ở, đất sản xuất đã diễn ra trên địa bàn nhiều năm nay. Theo thống kê, có khoảng 5 km đường bờ sông của xã bị sạt lở nặng. Chính quyền và nhân dân xã Triệu Giang đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông nhưng bất thành.

Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng sớm giúp người dân giải quyết tình trạng này, nhất là thúc đẩy dự án làm kè và di dân lên khu vực gò đồi Phước Mỹ”. Ngoài Triệu Long và Triệu Giang, tình trạng sạt lở bờ sông còn diễn ra tại nhiều địa phương khác của huyện Triệu Phong gồm các xã Triệu Thượng, Triệu Tài, Triệu Hoà… Sự xâm lấn của dòng chảy gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của rất nhiều hộ dân, gây mất nhà cửa, công trình phụ, đất ở, đất sản xuất, cây cối, hoa màu… với thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Lo ngại cho sự an toàn của gia đình mình, một số hộ dân trên địa bàn đã chuyển đến nơi ở mới.

Thế nhưng không phải ai cũng có điều kiện để tự di dời. Vì vậy bao năm qua, người dân sống ở các thôn, xóm trong vùng sạt lở luôn nơm nớp âu lo. Được biết, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành liên quan. Tuy nhiên, thực trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Hiện nay, mùa mưa lũ đã đến. Tình trạng sạt lở bờ sông có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Đề nghị các cấp, ngành liên quan có những động thái tích cực, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ người dân vùng bị sạt lở.

Theo báo Quảng Trị


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Trị: Phập phồng nỗi lo sạt lở bờ sông
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.