Bảo vệ môi trường

Quảng Trị: Tăng cường phân loại chất thải rắn tại nguồn

Thanh Thanh 08:27 22/10/2024

Những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung và CTR sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. Nhờ đó, tỉ lệ CTR sinh hoạt được thu gom tăng lên đáng kể, ở khu vực thành thị đạt khoảng 98%, khu vực nông thôn khoảng 77,3%.

Theo đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được 8 bãi chôn lấp CTR, 3 lò đốt tập trung; phương tiện và trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý CTR được đầu tư, nâng cấp. Nhờ đó, tỉ lệ CTR sinh hoạt được thu gom tăng lên đáng kể, ở khu vực thành thị đạt khoảng 98%, khu vực nông thôn khoảng 77,3%.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 345 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày và dự kiến lượng rác thải sẽ tăng trong những năm tới. Công suất xử lý của các bãi rác hiện tại không thể đáp ứng được các nhu cầu xử lý CTR sinh hoạt.

Việc xây dựng các bãi chôn lấp rác thải tốn nhiều quỹ đất và gặp khó khăn trong việc huy động vốn để xây dựng bãi chôn lấp.

capture.png

Theo Kế hoạch số 530/KH-UBND tỉnh ngày 11/2/2019 của UBND tỉnh về thực hiện chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 85% đô thị còn lại có công trình tái chế CTR phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình, tỉ lệ CTR sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom.

Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện các mô hình thí điểm về phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn khu vực nông thôn cho 840 hộ trên địa bàn các xã Hải Hưng (Hải Lăng), Triệu Hòa (Triệu Phong), Hải Thái (Gio Linh), Vĩnh Thái (Vĩnh Linh) và Triệu Nguyên (Đakrông). Trên cơ sở mô hình thí điểm, một số địa phương ở huyện Hải Lăng, Cam Lộ... cũng đã triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện, bước đầu ghi nhận tỉ lệ rác thải được phân loại tại nguồn tại các địa phương hằng năm đạt hơn 11%.

Trong điều kiện hiện nay do hạ tầng phục vụ việc phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý tập trung trên địa bàn chưa đồng bộ thì việc triển khai các mô hình thí điểm đã mang lại hiệu quả thiết thực cho vùng nông thôn.

Các mô hình đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt cho người dân; giảm lượng rác vận chuyển đến bãi chôn lấp tập trung, giảm chi phí cho việc thu gom, vận chuyển; góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Việc phân loại rác tại nguồn được xem là một giải pháp quản lý rác thải, bảo vệ môi trường bền vững, phân loại tốt sẽ hạn chế khối lượng lớn rác hữu cơ trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50-70%) ra bãi rác, tương đương với việc giảm 50% chi phí thu gom, xử lý.

Để làm được điều đó thì sự tham gia tích cực của các hộ dân vào việc thực hiện mô hình phân loại rác thải hộ gia đình đóng vai trò quan trọng để nhân rộng mô hình tại địa bàn dân cư.

Để thực hiện các mục tiêu theo Chỉ thị số 41/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/12/2020 về một số giải pháp cấp bách trong tăng cường quản lý CTR, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định liên quan cần đến sự nỗ lực lớn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân.

Nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về xử lý rác thải hiện tại và trong thời gian tới, trong điều kiện thực tiễn địa phương còn khó khăn trong đầu tư kinh phí cho xử lý, đầu tư công nghệ chuyển đổi từ chôn lấp các công nghệ xử lý tiến tiến, cần tạo ra cơ chế, điều kiện xã hội hóa, huy động nguồn đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải và xác định lộ trình triển khai thực hiện phân loại cho mỗi loại hình CTR, đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” từng bước xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc xả rác của người dân và doanh nghiệp.

Công tác quản lý tổng hợp CTR sinh hoạt là quản lý toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng, bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý cuối cùng nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến sự phát triển bền vững. Yêu cầu đặt ra là CTR sinh hoạt phải được quản lý, phân loại tại nguồn nhằm giảm thiểu tối đa lượng CTR phát sinh ra các khu xử lý tập trung. Công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn phải gắn với các mô hình thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng các thành phần CTR sinh hoạt sau khi phân loại.

Việc đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTR sinh hoạt phải được thực hiện bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hạn chế thấp nhất lượng CTR sinh hoạt phải chôn lấp, hướng tới phát triển tuần hoàn.

Do đó, ngày 25/1/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành đề án phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây chính là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn nói chung, xử lý CTR ở hộ gia đình nói riêng và tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Trị: Tăng cường phân loại chất thải rắn tại nguồn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.