Quốc hội “ấn nút” thông qua Luật Lâm nghiệp

15/11/2017 09:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sáng nay (ngày 15/11), Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Lâm nghiệp trình Quốc hội xem xét thông qua. Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp sáng 15/11

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Lâm nghiệp theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 24/10/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đã xem xét, thông qua.

Luật Lâm nghiệp bao gồm 12 Chương, 108 Điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Cụ thể, Quốc hội xem xét về tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1); giải thích từ ngữ (Điều 2), đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí xác định rừng (khoản 5 Điều 5) để phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng và yêu cầu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng (Điều 23); Dịch vụ môi trường rừng (mục 4 Chương VI); những hoạt động lâm nghiệp được sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 93); Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (Điều 95); Việc lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán và giám sát ngân sách nhà nước cho lâm nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng (Chương VIII); Quản lý nhà nước về lâm nghiệp (Chương XI); Việc bảo đảm tính thống nhất của một số quy định trong dự thảo Luật với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đầu tư, dự thảo Luật Quy hoạch.

Theo đó, rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng. Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp…

Bên cạnh đó, Nhà nước tổ chức, hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất; giống cây trồng lâm nghiệp, phục hồi rừng, trồng rừng mới; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; kết cấu hạ tầng; quản lý rừng bền vững; chế biến và thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác phải đáp ứng các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Về quản lý nhà nước về lâm nghiệp, Luật quy định theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp và chức năng chấp pháp của kiểm lâm; không quy định cụ thể về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý lâm nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Về tên gọi của Luật, phần lớn các vị đại biểu quốc hội đều nhất trí với tên gọi của Dự án Luật là Luật Lâm nghiệp như đề xuất của Chính phủ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho đổi tên Luật là Luật Lâm nghiệp với 431/447 đại biểu tán thành, chiếm 87,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

H.Thu (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội “ấn nút” thông qua Luật Lâm nghiệp