Tin trong nước

Quốc hội tán thành thông qua sớm chính sách đặc biệt cho kinh tế tư nhân

Phong Anh 15/05/2025 15:33

Với 429/429 đại biểu có mặt tán thành, Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân sẽ được thông qua vào sáng 17/5 thay vì 28/6 như dự kiến ban đầu.

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, cuối giờ sáng ngày 15/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

15-hai.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày trước Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật Kỳ này.

Dự thảo thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực và Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Quy định về nguyên tắc xử lý các vi phạm, giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.

Về nội dung hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh gồm có quy định các chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, cụ thể là hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.

Đối với hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sẽ quy định hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn…; mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

15-thang.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình Dự thảo nghị quyết

Đối với nội dung: Hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động này; nhà nước hỗ trợ xây dựng, hoặc thuê, mua các nền tảng dùng chung; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất 2 chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong: bao gồm đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, quan trọng quốc gia. Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Thường trực Uỷ ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất. Nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên để bảo đảm hiệu quả thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và cân đối nguồn lực thực hiện cơ chế, chính sách theo Nghị quyết như ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh. Cùng đó là sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành; đồng thời, trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều này sau khi Nghị quyết được ban hành, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tại các luật liên quan để nâng cao hiệu lực pháp lý và bảo đảm tính ổn định, lâu dài của quy định.

Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cũng đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.

15-mai.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra

Về hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng: Để bảo đảm chính sách hỗ trợ lãi suất tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết và Nghị quyết số 68-NQ/TW, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị rà soát các nội dung mang tính tổ chức thực hiện, có khả năng phải thay đổi thường xuyên theo tình hình thực tế, không thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét, quyết định; hiện nay, các cơ quan của Chính phủ vẫn đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung; đề nghị quy định tại văn bản của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW và Kết luận số 119-KL/TW.

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời gian Quốc hội nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra, tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua trước ngày 18/5 với 2 dự thảo nghị quyết.

Gồm: Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

"Việc này để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm các nghị quyết Quốc hội thông qua được quán triệt, triển khai ngay tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị vào sáng 18/5", ông Lê Quang Tùng nêu rõ.

Theo chương trình điều chỉnh, chiều 15/5 Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ cả hai dự thảo nghị quyết trên. Sáng 16/5, cả hai dự thảo được thảo luận tại hội trường, sau đó bấm nút thông qua vào cuối giờ sáng 17/5.

15-hop.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Trước đó, theo nghị trình được Quốc hội thông qua thì sáng 12/6 (đợt hai của kỳ họp), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân mới được trình Quốc hội, chiều 28/6 (ngày cuối cùng của Kỳ họp) Quốc hộ bấm nút thông qua nội dung này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định, gồm: việc bổ sung ngân sách Nhà nước chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Hai nội dung được bố trí thảo luận cùng với nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết nghị các nội dung này trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Nội dung nữa cũng được bổ sung là điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết Quốc hội sẽ bố trí họp riêng (tại phiên họp nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra và phiên thảo luận tổ, hội trường) đối với nội dung về bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).

Cũng theo ông Lê Quang Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến điều chỉnh thời gian tiến hành đối với một số nội dung khác có liên quan cho phù hợp. Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào chiều 27/6.

Trước đó, theo chương trình được Quốc hội thông qua tại phiên trù bị, dự kiến Quốc hội bế mạc kỳ họp vào chiều 28/6.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quốc hội tán thành thông qua sớm chính sách đặc biệt cho kinh tế tư nhân
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.