Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu

Lam Trinh |04/11/2023 14:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thời điểm thông qua dự án Luật, một số ý kiến đại biểu đồng ý với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng cho đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày báo báo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu

4-tc.jpg
Toàn cảnh phiên họp thảo luận về dự thảo Luật Đất dai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức nhiều hội thảo, phiên họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật; gửi Công văn lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lấy ý kiến các Bộ, ngành về một số nội dung cụ thể… để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngày 29/9/2023, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 26. Hồ sơ dự thảo Luật được xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, cơ quan, tổ chức. Chính phủ đã có Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23/10/2023 về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã: bỏ 04 điều, bổ sung 06 điều, sửa đổi 229 điều. Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: địa giới đơn vị hành chính, điều tra cơ bản về đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất; các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hoạt động lấn biển; đất sử dụng cho khu kinh tế…

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ nhận định, thời gian qua, UBTVQH và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất. Vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.

Về quy định chuyển tiếp, sửa đổi, bổ sung một số Điều của các luật có liên quan, các nội dung đang được quy định tại Chương XVI dự thảo Luật do Chính phủ trình đã được rà soát, chỉnh lý. Tuy nhiên, chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan. Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), UBTVQH sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Hướng tới thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW

4-vht.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo báo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Giải trình những vấn đề cụ thể liên quan đến việc thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, bổ sung tại Chương IV dự thảo Luật quy định cụ thể về thống kê, kiểm kê đất đai để xác định cụ thể về diện tích, loại đất, đối tượng quản lý, đối tượng sử dụng; quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung của hoạt động điều tra, đánh giá tiềm năng và chất lượng đất đai để lượng hóa đất đai; đồng thời, quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu đất đai và trách nhiệm tổ chức triển khai; bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) … Những nội dung thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, những nội dung chưa rõ, chưa được đề cập tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đang được xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.

Đối với những nội dung chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật như Chính phủ báo cáo tại Tờ trình số 276/TTr-CP ngày 29/5/2023 về dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, UBTVQH nhận thấy:

Một số nội dung đã được Chính phủ nghiên cứu, thể chế hóa tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 theo Tờ trình số 150/TTr-CP ngày 26/4/2023 và đang được Quốc hội, UBTVQH xem xét theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số nội dung khác về quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương trong pháp luật về ngân sách nhà nước; rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Trong đó, đã nêu nội dung rà soát, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, các Luật thuế có liên quan đến đất đai; liên quan đến các luật này, Kế hoạch số 81-KH/UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của UBTVQH về triển khai thực hiện kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã nêu rõ nhiệm vụ lập pháp do Chính phủ thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoàn thành rà soát trước ngày 30/6/2022 và đề xuất đưa vào Chương trình năm 2023 - 2025.

Tại Thông báo số 2842/TB-TTKQH ngày 04/10/2023 về kết luận của UBTVQH về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26 (tháng 9/2023), UBTVQH đã đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các đề xuất xây dựng pháp luật để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng tới hình thành hệ thống pháp luật về đất đai thực sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật; tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật và các quy định khác dưới luật để khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ giải quyết được thỏa đáng các vấn đề thực tiễn. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH và Chính phủ đã phối hợp chỉ đạo các cơ quan rà soát tổng thể để bảo đảm tốt nhất tính hợp lý của các quy định tại dự thảo Luật. UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các văn bản dưới luật theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa theo đúng nội dung, tinh thần chính sách đã được thể hiện thành các quy định của Luật và theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW; chỉ đạo việc chuẩn bị các điều kiện thực tế để bảo đảm cho các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự đi vào vào cuộc sống.

Giải trình, tiếp thu đầy đủ các nội dung có 01 phương án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu giải trình đầy đủ các nội dung có 01 phương án. Trong đó, về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78 và Điều 79). Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 30 của Điều 79 nhưng nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất.

Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật bổ sung quy định về “thực hiện các dự án, công trình vì mục đích lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn”.

Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan (khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87), tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất là sau khi “người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 Điều 87) nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Đối với quy định về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 202), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 29/8/2023, Chính phủ có Báo cáo số 411/BC-CP gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14. Đến ngày 23/10/2023, dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 598/BC-CP bổ sung đối tượng “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” để phù hợp với thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (QPAN) sau khi thực hiện thủ tục công nhận lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 03/2022/QH15 và Nghị định số 16/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN thì không được công nhận lại là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN mà là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN trong khi thực tế đang quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

UBTVQH đề nghị Chính phủ làm rõ đối tượng này là “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” hay bao gồm cả doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn; cân nhắc việc mở rộng đối tượng áp dụng không phù hợp với nguyên tắc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 132/2020/QH14 có tính chất thí điểm với đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng giới hạn.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ QPAN, cơ quan có thẩm quyền phê quyệt có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả.

Xin ý kiến Quốc hội các nội dung có 02 phương án, 03 phương án

4-ht.jpg
Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp này, UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu các nội dung có 02 phương án và xin ý kiến Quốc hội về các nội dung: về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương V); Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; Về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện; Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện.

UBTVQH cũng xin ý kiến về các quy định có 02 phương án về: Thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; Về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất (Chương VIII); Về Quỹ phát triển đất; Về Tổ chức phát triển quỹ đất; Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, đang có quyền sử dụng đất; Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và đang có quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội; Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền; Về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm; Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng; Về hoạt động lấn biển; Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế…

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận sáng 03/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi và chất lượng, có 23 đại biểu phát biểu, 9 đại biểu tranh luận, còn 109 đại biểu đăng ký phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tại phiên làm việc chiều 03/11, đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung vào các vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi).

Một số góp ý của đại biểu Quốc hội

Góp ý vào một số nội dung của dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, tại Điều 206 về sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản quy định: đất cho hoạt động khoáng sản chỉ bao gồm đất thăm dò, khai thác khoáng sản và khu vực có công trình phụ trợ. Khi sử dụng loại đất này còn rất nhiều điều kiện như viện dẫn ở khoản 2 của điều luật này. Với tỉnh Đắk Nông về khoáng sản bô xít với tiến độ như hiện nay phải mất 400 năm và không có không gian phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Thực tế việc triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công đang rất bế tắc, do vậy cần có quy định cụ thể hơn về đất hoạt động khoáng sản. Theo đó, cần bổ sung trong dự thảo luật thêm nội dung: đất trong khu vực dự trữ khoáng sản. Loại đất này khác về đất thăm dò khai thác khoáng sản, đảm bảo chặt chẽ và có như vậy mới có thể đưa đất khu vực dự trữ khoáng sản vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn dự trữ được khoáng sản cho tương lai mai sau.

Đại biểu đề nghị xem xét hình thức cho thuê đất trong giai đoạn thăm dò khoáng sản cho phù hợp, để đảm bảo việc thăm dò được thuận lợi, vì công tác thăm dò mới nằm ở giai đoạn đầu điều tra khảo sát để lập dự án đầu tư lựa chọn phạm vi, quy mô khai thác dự án đầu tư chưa được hình thành.

4-db.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Bổ sung trong dự thảo luật quy định về đất trong khu vực dự trữ khoáng sản

Ngoài ra, đại biểu đề nghị có quy định riêng về thời hạn cho thuê đất theo kế hoạch khai thác hết trữ lượng từ 2 đến 3 năm; trách nhiệm phải đóng cửa mỏ và trả lại diện tích thuê đất trước khi khai thác trong những năm tiếp theo để tăng cường tối đa hiệu quả sử dụng đất sau khi khai thác.

Góp ý về vấn đề chung việc bổ sung quy hoạch đất cấp tỉnh tại Điều 65, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại có 14 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Nếu trong trường hợp, luật quy định bãi bỏ điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch thì sẽ dẫn đến các tỉnh đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch, gây tốn kém về nguồn lực, thời gian thực hiện. Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định việc chuyển tiếp giữa các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch năm 2018 đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tránh gây chồng chéo, khó thực hiện tại các địa phương khi thực hiện quy hoạch tỉnh 2021-2030.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn cần có những hạn chế nhất định trong quy định việc sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập, không nên trao đầy đủ quyền như đối với các tổ chức kinh tế.

Lý giải về vấn đề này, đại biểu cho rằng, đơn vị sự nghiệp công lập là pháp nhân được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước theo quy định của pháp luật, có chức năng cung cấp các dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, có chức năng cung cấp các dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước. So với tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước trao quyền, chức năng, nhiệm vụ đặc thù, nên việc tạo cơ chế để đánh đồng tổ chức kinh tế với đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, từ đặc điểm đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan của nhà nước, đại biểu cho biết, việc tiếp cận các quỹ đất của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn so với các tổ chức kinh tế. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập cũng được tạo điều kiện như với các tổ chức kinh tế thì sẽ tạo sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu rõ, nếu trao quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hàng năm thì sẽ có nguy cơ rủi ro không bảo toàn đất nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nhận thấy, dự thảo đã bổ sung nhiều chính sách mới về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo lần này đã quy định rõ hơn về đối tượng được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, chính sách được hỗ trợ, và tương đối rõ về trách nhiệm thực hiện từ Chính phủ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ chỉ rõ, Điều 16 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phải là cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đang phải sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Như vậy, cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tuy thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để thể chế hóa đúng, đủ tinh thần của Nghị quyết Trung ương....

Về việc thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Điều 48, đại biểu nhận thấy, việc thiết kế chính sách như dự thảo Luật nhằm bảo toàn quỹ đất để thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc tính khả thi của quy định này; đồng thời đề nghị các cơ quan đánh giá kỹ hơn về tác động của vấn đề này.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, về dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đây là nội dung rất quan trọng, được cử tri mong chờ, đặc biệt là người dân trong diện bị thu hồi đất cho các dự án có chênh lệch địa tô. Đại biểu đồng tình thực hiện phương án 2, theo đó, cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân.

Đại biểu cho biết, việc nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân mà đạt được tỷ lệ đồng thuận 100% là rất khó xảy ra. Về nội dung này, phương pháp, nguyên tắc định giá đất là rất quan trọng, nên việc quy định theo phương án 2 là lựa chọn hợp lý, phù hợp với thực tiễn, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.

Về quyền sử dụng đất của người Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu cho rằng, với người có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài thì vẫn có quyền lợi như người quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam, còn các trường hợp khác thì không được quyền lợi. Đại biểu không đồng tình với việc người gốc Việt Nam, không có quốc tịch Việt Nam nhưng được hưởng quyền lợi về đất đai như người Việt Nam. Theo đại biểu, nếu đã bỏ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không thể được hưởng quyền lợi ngang bằng với những người giữ quốc tịch Việt Nam.

4-be.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang): Thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) thống nhất về vấn đề thu hồi đất để phát triển du lịch và thu hồi đất tại Điều 79. Điều 79 của dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chọn phương án 1. Bởi phương án này nhằm thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và đồng bộ hóa phát triển du lịch kết hợp với thương mại. Đây sẽ là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Việc phát triển các dự án nhà thương mại, đại biểu cho rằng, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ không chỉ đem lại về kinh tế mà còn góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Và điều tiết chênh lệch địa tô được thực hiện qua việc Nhà nước giao đất và cho thuê đất để thực hiện dự án này theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Đây là vấn đề mới như trong Báo cáo tiếp thu, giải trình mà UBTVQH đã nêu, do đó đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chọn phương án 1.

Về hoạt động lấn biển tại Điều 191, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, Luật Đất đai hiện hành chưa quy định về vấn đề này. Hiện nay Chính phủ đang dự thảo nghị định về đất biển. Vì vậy, để quy định đúng về hoạt động lấn biển cần triển khai, cần giải thích từ ngữ về hoạt động này đúng với thực tế đang diễn ra.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải thích rõ hơn từ “lấn biển” phải bao hành phạm vi lấn biển của cả 3 khu vực: đối với đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển. Đề nghị sửa lại thành: “lấn biển là việc sử dụng các giải pháp để mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ hết rang giới đất liền về phía biển của vùng biển Việt Nam”.

Từ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị bổ sung nội dung thực hiện các dự án lấn biển đối với các bãi bồi ven biển và đất có mặt nước ven biển và khu vực biển tại khoản 3 Điều 190 và các điều luật khác có liên quan. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ liên quan đến nhiều luật khác, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi đồng bộ một số quy định có liên quan đến các luật khác để tạo điều kiện khuyến khích hoạt động này trong phát triển, mở rộng diện tích đất theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Phát biểu tranh luận với ý kiến đề nghị bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết, dự thảo lần này đã quy định những điều kiện, trường hợp cụ thể áp dụng từng phương pháp, do đó, phương pháp thặng dư nên tiếp tục được duy trì để thực hiện những dự án không thể áp dụng phương pháp khác.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cơ sở để lựa chọn phương án khả thi

Thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp rà soát tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật. Ghi nhận các đại biểu chia sẻ với nội dung luật khó phức tạp, cầu thị tiếp thu nhiều ý kiến nhưng đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau.

Liên quan đến các dự án thuộc diện thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết nếu mà doanh nghiệp, nhà đầu tư mà muốn được thỏa thuận, các đại biểu cũng ủng hộ theo hướng này để trong quá trình thỏa thuận bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp và tránh các khiếu kiện phức tạp. Các đại biểu cũng còn băn khoăn ở trong trường hợp thỏa thuận không thành công thì cũng cần phải có cơ chế xử lý.

Về các điều kiện để mà nhà đất thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng thì một trong những yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là có thể thu hồi đất nhưng phải có phương án cho người dân để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Do đó, dự thảo Luật quy định về 7 trường hợp, phương án bắt buộc phải có. Theo đó, chỉ có trong trường hợp bắt buộc phải có tái định cư thì phải hoàn thành các khu tái định cư. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cho phép quy định trong trường hợp chưa hoàn thành khu tái định cư, bởi vì mất nhiều thời gian để xây dựng khu tái định cư thì có bố trí tạm cư và người dân phải đồng thuận.

Liên quan đến các chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự thảo Luật đã có Điều 16 và một số các điều khoản khác liên quan để mà thực hiện chính sách này, trong đó xử lý đất ở, đất sản xuất lần đầu; có cơ chế để xử lý trong trường hợp chuyển nhượng hay thừa kế để bảo đảm quỹ đất để cho bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số từ đất đai của sắp xếp lại các nông lâm trường, các dự án phát triển quỹ đất…Tuy nhiên các ý kiến vẫn cho rằng phạm vi còn hẹp so với Nghị quyết 18-NQ/TW bởi không phải chỉ có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mà ở các vùng khác…Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để đưa vào luật bảo đảm tính khả thi.

Về trường hợp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế cho biết qua thảo luận nhận thấy các ý kiến thiên về phương án 3 trong trường hợp cá nhân không trực tiếp sản xuất nhưng trong hạn mức nhất định thì không cần thiết phải thành lập tổ chức và phải có phương án sản xuất.

4-pqh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hưu quan, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cơ sở để UBTVQH tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong Kỳ họp này, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật, đồng thời, UBTVQH sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi. UBTVQH đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.