Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi): Không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước để phát triển kinh tế

Thu Hà|29/10/2023 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

n5.jpg
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 26/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước. Cụ thể:

Quy định chặt hơn đảm bảo an ninh nguồn nước


Về nội dung “Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra (Điều 3)”, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị tập trung vào các nội dung như: thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.

Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

anh-tai-nguyen-nuoc-1-.jpg
Không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước để phát triển kinh tế

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước. Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, khái niệm an ninh nguồn nước hiện đang được sử dụng thống nhất trên thế giới gồm 04 thành tố: (1) đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; (2) phát triển bền vững và ổn định chính trị được đẩy mạnh; (3) mỗi người đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý để có cuộc sống khỏe mạnh, sung túc; (4) các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước. Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra tại khoản 1 Điều 3.

Chỉnh lý quy định về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm


Đối với nội dung “về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III)”, có ý kiến đề nghị bổ sung một điều về bảo vệ nước mặt; ý kiến khác đề nghị tăng cường quản lý tài nguyên nước theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định về bảo vệ nguồn nước mặt, trong đó có bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, đã được quy định riêng tại Điều 21. Đồng thời, đã bổ sung các quy định về quản lý tài nguyên nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể như: Bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; việc trám lấp giếng khi không còn sử dụng và không có kế hoạch tiếp tục sử dụng để bảo vệ nước dưới đất tại khoản 1 Điều 31; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.

Có ý kiến đề nghị xem xét cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các đối tượng khai thác riêng lẻ trong vùng đã có hệ thống cấp nước tập trung. UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật chỉ quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục, có nguy cơ bị hạ thấp quá mức; khu vực đã xảy ra sụt lún hoặc có nguy cơ sụt, lún đất và khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Còn đối với những vùng đã có hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất thì sẽ không hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các tổ chức, cá nhân khai thác riêng lẻ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Vì vậy, xin Quốc hội cho phép được giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, có giải pháp phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách tài chính, đặc biệt về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động phục hồi các dòng sông. Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm và cơ chế tài chính cho hoạt động này; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm và thể hiện như tại Điều 34, Điều 73 và Điều 74 dự thảo Luật.

Quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp thực hiện điều hòa, phân phối tài nguyên nước


Đối với nội dung “Điều hoà, phân phối tài nguyên nước (mục 1 Chương IV)”, có ý kiến đề nghị quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp thực hiện điều hòa, phân phối tài nguyên nước; ý kiến khác đề nghị rà soát, chỉnh sửa quy định về việc phải dự báo được tình hình tài nguyên nước hàng năm để có phương án điều hòa nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước; trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong điều hòa, phân phối nguồn nước.

UBTVQH thấy rằng, điều hòa, phân phối tài nguyên nước là hoạt động quan trọng để bảo đảm ổn định khai thác, sử dụng nước cho các ngành kinh tế, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa quy định của Luật Tài nguyên nước và các luật chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành. Do đó, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hoà phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, được thể hiện tại Điều 35 của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, cần có mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau và bố trí các nguồn lực thiết yếu để triển khai. Đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng để chỉ đạo kịp thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước tại khoản 1 Điều 36; trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan và UBND cấp tỉnh trong thực hiện điều tiết nguồn nước, quyết định việc hạn chế phân phối, sử dụng nước; quyết định việc sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn; chỉ đạo huy động nguồn nước trong phạm vi quản lý để chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác tại khoản 2 Điều 36.

Bổ sung quy định về tuần hoàn, tái sử dụng nước


Có ý kiến đề nghị bổ sung một điều riêng về tuần hoàn nước, tái sử dụng nước, trong đó đề cập đến các vấn đề về đối tượng bắt buộc áp dụng, hoạt động nào được tái sử dụng nước thải; cơ chế khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và chính sách ưu đãi đối với việc sử dụng nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và các mục đích khác. UBTVQH thấy rằng, tuần hoàn, tái sử dụng nước thải là giải pháp hiệu quả trong sử dụng nước tiết kiệm, nhưng hiện nay chi phí tuần hoàn, tái sử dụng nước thải cao gấp nhiều lần so với chi phí mua nước và chi phí xử lý nước thải. Trong điều kiện diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu, yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước và nguy cơ từ sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước liên quốc gia, cần thiết phải đầu tư nghiên cứu, áp dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước để chủ động ứng phó với tình huống thiếu nước.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở 03 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta: (1) Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khoản 1 Điều 59; (2) Có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước thải đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật tại khoản 5 Điều 59; và (3) Bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải quy định tại khoản 4 Điều 59. Đồng thời, bổ sung quy định ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khoản 6 Điều 59 và khoản 3 Điều 73 dự thảo Luật.

Quy định riêng về khai thác và sử dụng tài nguyên nước


Đối với nội dung “khai thác, sử dụng tài nguyên nước (mục 2 Chương IV)”, có ý kiến đề nghị tách hai chủ thể khai thác tài nguyên nước và sử dụng tài nguyên nước để có quy định quản lý phù hợp. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã tách riêng nội dung quy định về khai thác tài nguyên nước và sử dụng nước cho các mục đích khác nhau, được thể hiện như tại mục 2, Chương IV của dự thảo Luật. Cụ thể: Điều 41, Điều 42 quy định chung cho cả đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Điều 43 đến Điều 47 quy định riêng cho đối tượng chỉ khai thác tài nguyên nước và Điều 48, Điều 49 quy định cho đối tượng sử dụng nước.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ nguyên tắc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước bảo đảm minh bạch và làm cơ sở để hướng dẫn chi tiết trong nghị định. Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc cấp phép như: bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước … tại Điều 55 dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị phải kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định hoạt động khai thác nước dưới đất quy mô hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai như quy định tại khoản 2 Điều 52 nhằm quản lý chặt chẻ việc khai thác nước dưới đất, bảo vệ nước dưới đất và phòng, chống tác hại do việc khai thác nước dưới đất không kiểm soát gây ra và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 9 Điều 52. Đồng thời, khoản 3 Điều 85 dự thảo Luật cũng quy định thời điểm có hiệu lực của quy định này từ 01/7/2026, tức là 02 năm sau khi Luật có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính khả thi. Chính phủ cũng đồng thuận về quan điểm chính sách với UBTVQH và cũng đã bổ sung báo cáo đánh giá tác động về nội dung này kèm theo Báo cáo số 576/BC-CP.

Nguồn nước của Việt Nam có đặc trưng biến đổi theo không gian, thời gian các mùa trong một năm là khác nhau, các vùng khác nhau. Không những thế, khoảng 60%- 70% tổng lưu lượng nước phụ thuộc vào các lưu vực sông từ bên ngoài. Vì thế trong thời gian qua, trong đó có biến đổi khí hậu, việc điều hòa, phân phối sử dụng các nguồn nước này để tối ưu hóa được nguồn lực là cần thiết. Do đó, việc dựa vào chiến lược quy hoạch nói chung thì việc có kịch bản về nguồn nước là hết sức quan trọng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi): Không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước để phát triển kinh tế