Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

An Nhiên|17/06/2020 10:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với 92,34% ĐBQH tán thành.

Sáng 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đa số đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có bố cục gồm 3 Điều. Cụ thể, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành. (có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2021).

Theo đó, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai; Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền; Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền; người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Luật cũng bổ sung quy định ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai;…

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều 

Về ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai, Luật quy định: Ngân sách nhà nước bảo đảm cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính.

Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.

Do nguồn lực thiếu nên ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung cho công tác ứng phó thiên tai và hỗ trợ một phần cho khắc phục hậu quả thiên tai, nhiều hoạt động Phòng chống thiên tai còn chưa được thực hiện; việc sử dụng còn thiếu tập trung, thiếu đồng bộ do sử dụng từ nhiều nguồn, nhiều cơ quan quản lý nên việc cần có mục chi trong mục lục ngân sách nhà nước là cần thiết.

Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách Nhà nước, nội dung này được quy định trong văn bản dưới Luật (Điều 26). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép không bổ sung nội dung này trong Luật và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong văn bản dưới Luật.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, luật quy định việc xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều theo quy định của luật này và bảo đảm giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; vật liệu phế thải và lán trại trong quá trình thi công không được ảnh hưởng đến dòng chảy và phải được thanh thải sau khi công trình hoàn thành.

Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê…

Như vậy, từ ngày 1/7/2021, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 Điều có hiệu lực thi hành, nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều.

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều