Rác thải nhựa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái biển.
Nhiều mối đe dọa
Rác thải nhựa không chỉ đe dọa sinh kế của những người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển để sinh sống, mà có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe cho người tiêu dùng cá và hải sản bị nhiễm vi nhựa và nhựa nano độc hại.
Thách thức về rác thải nhựa, còn trầm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19, là một phần không thể thiếu trong cuộc khủng hoảng ô nhiễm toàn cầu, cùng với việc mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Thách thức này thể hiện tình trạng khẩn cấp phải được giải quyết bởi những thay đổi lớn trong cách loài người sử dụng tài nguyên của trái đất.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác).
Mặt khác, trong những năm qua, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài. Vì vậy, khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam năm 2020, dự báo khoảng hơn 206 nghìn tấn, trong đó gần 40% xả ra biển. Nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Hạ Long, tại một số đảo như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm…, đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng. Đáng lo ngại, chất thải nhựa có kích thước micro (nhỏ, < 5 mm) hình thành trong quá trình sản xuất, hoặc phân mảnh vật liệu nhựa tồn tại dưới dạng vật chất lơ lửng và trong trầm tích đáy biển rất khó phân hủy, dễ dàng được tích lũy trong chuỗi thức ăn sinh vật gây ra những tác động đáng kể tới các hệ sinh thái biển. Các loại chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi trên biển còn gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt, giảm năng suất đánh bắt thủy sản và gây những tác động đến hệ sinh thái biển khác…
Vấn đề cấp bách toàn cầu
Một nghiên cứu mới được công bố tháng 7/2020 cho biết, nếu Chính phủ và các Công ty không giảm mạnh sản xuất nhựa, lượng rác thải nhựa chảy vào đại dương và giết chết sinh vật biển có thể tăng gấp 3 lần trong 20 năm tới.
Thói quen sử dụng túi ni lông, đồ dùng nhựa cùng với những hạn chế trong khâu tái chế, xử lý rác thải nhựa tạo ra “gánh nặng” ngày càng lớn đến kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe của con người. Về mặt kinh tế, chỉ riêng rác thải nhựa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã gây thiệt hại cho ngành du lịch, đánh bắt thủy sản và vận chuyển 1,3 tỷ đô la mỗi năm.
Tổng thiệt hại kinh tế đối với hệ sinh thái biển toàn cầu do rác thải nhựa gây ra ít nhất là 13 tỷ đô la mỗi năm (UNEP 2018). Về môi trường và sức khỏe con người, để phân hủy hoàn toàn các sản phẩm nhựa, túi ni lông cần thời gian hàng trăm năm, đặc biệt là các sản phẩm nhựa thải ra đại dương có thể kéo dài hơn.
Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu.
Do thời gian phân hủy quá chậm, trong khi đó thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa gây ra tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương.
Rác thải nhựa đã gây hại cho ít nhất 267 loài động vật khác nhau, gây ra cái chết cho khoảng một triệu chim biển, 100.000 động vật biển có vú và các loại cá khác với số lượng không thể đo đếm được. Những hại nhựa siêu vi (rất nhỏ) do rác thải nhựa phân hủy có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể các loài sinh vật biển, và từ đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn cho con người, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Thanh Trà