Rác thải tràn ngập khu vực biển Tàu Bể ở Khánh Hòa

Gia Hân|26/10/2023 07:58
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khắp bãi biển khu vực Tàu Bể (thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), rác thải phát sinh từ nuôi trồng thủy sản (NTTS), vệ sinh lồng bè của người nuôi ngày càng tăng, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và chính vùng nuôi.

Dọc theo đường bờ biển kéo dài khoảng 1,5 - 2km khu vực Tàu Bể, những đống lưới bị cắt bỏ tràn khắp bờ biển. Men theo mép nước, vỏ sò, vỏ ốc, thùng nhựa, chai nhựa vương vãi khắp nơi; dập dềnh theo con sóng là những mảng lưới xanh, túi ni-lông, vỏ chai… Trên bờ, rất nhiều lồng nuôi tôm hùm, cá được người dân kéo vào để vệ sinh; những lớp hà bám vào lưới lồng được cạo bỏ thẳng xuống bãi biển, bốc mùi hôi thối. Những tấm lưới cũ, có dấu hiệu bị mục, rách được thay thế; một phần lưới cũ ấy được người dân thu gom tận dụng làm việc khác, một phần vứt thẳng xuống biển.

Ông Nguyễn Thế Hải đang vệ sinh lồng nuôi tôm trên bờ biển cho hay: “Tại vùng nuôi Tàu Bể có hàng ngàn lồng nuôi tôm hùm. Cứ sau mỗi đợt nuôi, chúng tôi lại phải kéo lồng lên bờ vệ sinh lưới lồng để tạo thông thoáng, lưu thông nước giữa trong và ngoài lồng trong quá trình nuôi. Sau 4 - 5 vụ nuôi, khi lưới đã cũ thì thay mới, hoặc thay thế một phần”. Ông Hải cho biết thêm: “Có người gom rác lại đốt ngay trên bãi biển, có người vứt bừa xuống đất cát, thủy triều lên xuống lại đưa rác xuống biển, ra tận vùng nuôi”.

rac-thai.jpg
Lưới lồng nuôi người dân xả ra bãi biển

Một số người dân địa phương cho hay, bãi biển khu vực Tàu Bể cách đây khoảng 3 năm còn rất đẹp, bãi cát trắng mịn, nước trong xanh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc phát triển NTTS chỉ cách bờ 200 - 300m, cộng với việc bãi biển ngập rác ảnh hưởng xấu đến môi trường biển khu vực này. Theo ông Trần Ngọc Sang (thôn Bình Lập), việc xả rác thải trực tiếp ra bờ biển, mặt biển đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cuối tháng 8, người dân đã có đơn gửi UBND TP. Cam Ranh đề nghị xử lý tình trạng rác thải tràn ngập khu vực Tàu Bể.

Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, tại các vùng nuôi, vẫn còn những hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển chưa ý thức bảo vệ môi trường chung, vứt rác xuống biển, không thu gom, xử lý theo quy định. Lượng rác phát sinh từ hoạt động NTTS tự phát trên biển rất lớn, tích tụ qua nhiều năm đã ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi. Riêng tại khu vực thôn Bình Lập, ngoài nguồn rác thải phát sinh từ vệ sinh lồng bè, thay lưới, còn có những loại rác từ nơi khác theo mùa gió, dòng nước thủy triều tấp vào bãi biển khu vực Tàu Bể. Rác thải lúc tấp vào khu vực thuộc xã Cam Lập, lúc tấp vào xã Cam Bình với khối lượng lớn khiến việc thu dọn của các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, vùng nuôi xã Cam Lập có khoảng 270 hộ nuôi thủy sản lồng bè, với hơn 18.000 lồng nuôi. Các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm xanh, tôm hùm sao, cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè. Nhiều khu vực người dân nuôi tự phát, chỉ cách bờ khoảng 200m, bè nuôi san sát; không chỉ có người dân xã Cam Lập mà nhiều người dân từ các địa phương khác cũng đến NTTS ở khu vực này. Toàn bộ thức ăn phục vụ nuôi tôm hùm, cá biển tại đây đều là thức ăn tươi. Mỗi ngày, khối lượng rất lớn cá tạp, các loại nhuyễn thể… được đưa xuống biển để làm thức ăn cho thủy sản nuôi; kéo theo lượng lớn túi nilon, vỏ sò, vỏ ốc, nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vùng nuôi, dễ gây thiệt hại đối tượng nuôi.

“Do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi nên cuối tháng 9, tại vùng nuôi Tàu Bể đã xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa khiến cho 4 hộ nuôi bị thiệt hại 47 lồng tôm thương phẩm, 32 lồng tôm giống”, ông Phan Ngọc Tấn - Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư Cam Ranh - Cam Lâm - Trường Sa cho biết.

Liên quan đến thực trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần khuyến cáo người dân phải nuôi đúng vùng quy hoạch; trong quá trình nuôi cần sử dụng một phần thức ăn công nghiệp để thay thế dần thức ăn tươi. Đối với vỏ tôm lột, túi ni-lông đựng thức ăn, thức ăn dư thừa, vỏ nhuyễn thể sau mỗi lần cho tôm, cá ăn tuyệt đối không được xả thẳng xuống biển mà phải thu gom ngay đưa vào bờ xử lý; các loại rác phát sinh từ việc vệ sinh lưới lồng nuôi cũng cần được thu gom đưa đến nơi xử lý đúng quy định chứ không được vứt bỏ tràn lan ra môi trường. Việc giữ gìn môi trường vùng nuôi sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại, lây lan dịch bệnh trên chính tôm, cá của người nuôi.

Ông Lê Ngọc Thạch cho biết, TP Cam Ranh chỉ đạo các địa phương lượng rác phát sinh tới đâu xử lý đến đó, nhưng nếu lượng rác quá lớn, vượt quá khả năng xử lý, các địa phương cần báo cáo ngay để thành phố huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ xử lý. UBND các xã, phường ven biển trên địa bàn cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân thu gom, xử lý rác thải phát sinh trong quá trình nuôi đúng quy định. Về lâu dài, UBND TP. Cam Ranh đang làm việc với Viện Nghiên cứu NTTS III xây dựng đề án nhằm phát triển NTTS bền vững. Trong đó, sẽ bố trí, sắp xếp lại tất cả hoạt động NTTS đảm bảo theo quy hoạch; kiểm soát về vấn đề vệ sinh môi trường biển. TP. Cam Ranh cũng đang phối hợp với một số cơ quan, đơn vị thử nghiệm mô hình nuôi biển công nghệ cao, sử dụng lồng nuôi HDPE, thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi nhằm giới thiệu, nhân rộng đến người nuôi. Địa phương đang định hướng chuyển đổi từ hình thức nuôi truyền thống sang áp dụng công nghệ cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo môi trường biển.

Bài liên quan
  • Khánh Hòa: Xây dựng huyện Khánh Sơn thành vùng du lịch sinh thái
    Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Khánh Sơn đang khẩn trương triển khai các bước lập đồ án quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển gắn với những giá trị sinh thái cảnh quan và văn hóa đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rác thải tràn ngập khu vực biển Tàu Bể ở Khánh Hòa