Rác thải y tế – Bài 1: Thực trạng công tác xử lý chất thải rắn y tế

Nguyệt Nương|21/07/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 350 – 400 tấn chất thải y tế, trong đó, 42 tấn chất thải y tế độc hại từ các bệnh viện và các cơ sở y tế; trong đó, lượng chất thải rắn y tế nguy hại chiếm khoảng 15%, còn lại là rác thải sinh hoạt. Thêm vào đó, lượng nước thải từ các bệnh viện, mỗi ngày có 120 nghìn m3 nước thải y tế được thải ra. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải tại các bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay, chủ yếu vẫn đang còn mang tính thủ công là chôn lấp…

Trong số các loại chất thải, chất thải y tế được xem là khá nguy hại vì tính chất phức tạp và khả năng lây nhiễm cao, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Việc quản lý tốt, xử lý triệt để loại chất thải này là vấn đề chính quyền và lãnh đạo nhiều cơ sở y tế các cấp đặc biệt quan tâm.

Theo ước tính, trong một đêm, mỗi giường bệnh thải ra môi trường khoảng 2,5 kg rác thải, chất thải, trong đó từ 10% đến 15% là loại chất thải độc hại, dễ gây ô nhiễm. Thế nhưng, khâu quản lý rác thải, chất thải của các cơ sở y tế lại hết sức lỏng lẻo. Hầu hết rác thải y tế là những mẫu bệnh phẩm chưa được phân theo đúng chủng loại, chưa được khử khuẩn trước khi thải bỏ, không có nhà lưu chứa hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn, trong đảm bảo vệ sinh và có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Nguồn gốc phát sinh rác thải y tế

Chất thải y tế nguy hại là chất thải có chưa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường lây nhiễm, gây ngộ độc, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu như những chất thải này không được tiêu hủy hoàn toàn.

Chất thải từ các cơ sở y tế gồm chất thải thông thường, y tế, hóa học, phóng xạ và các vật chứa có áp suất. Chất thải y tế có 5 nhóm. Hiện nay, mỗi nhóm có một phương pháp xử lý tùy theo điều kiện của mỗi cơ sở y tế.

Nhóm A: là chất thải nhiễm khuẩn, bao gồm: những vật liệu bị thấm máu, thấm dịch, các chất bài tiết của người bệnh như băng, gạc, bông, găng tay, bột bó, đồ vải, các túi hậu môn nhân tạo, dây truyền máu, các ống thông, dây và túi dịch dẫn lưu …

Nhóm B: là các vật sắc nhọn, bao gồm: bơm tiêm, kim tiêm, lưỡi và cán dao mổ, cưa các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và mọi loại vật liệu có thể gây ra các vết cắn hoặc chọc thủng, cho dù chúng có thể nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn

Nhóm C: là chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phát sinh từ các phòng xét nghiệm, bao gồm: găng tay, lam kính, ống nghiệm, túi đựng máu, bệnh phẩm sau khi sinh thiết/ xét nghiệm/ nuôi cấy…

Nhóm D: là chất thải dược phẩm bao gồm: Dược phẩm quá hạn, dược phẩm bị nhiễm khuẩn, dược phẩm bị đổ, dược phẩm không còn nhu cầu sử dụng. Và Thuốc gây độc tế bào là các thuốc chống ung thư hoặc các thuốc hóa trị liệu ung thư. Thuốc có khả năng phá hủy hoặc ngừng sự tăng trưởng của các tế bào sống.

Nhóm E: là các mô cơ quan người – động vật, bao gồm: tất cả các mô của cơ thể (dù nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn); các cơ quan, chân tay, rau thai, bào thai, xác xúc vật thí nghiệm.

Chất thải y tế không được xử lý đúng cách sẽ gây ra sự ô nhiễm môi trường

Chất thải hóa học phát sinh từ các nguồn khác nhau trong các hoạt động của các cơ sở y tế nhưng chủ yếu là từ các phòng xét nghiệm và các hoạt động liên quan như xét nghiệm, vệ sinh, khử khuẩn. Chất thải hóa học có thể ở dạng rắn, lỏng, khí.

Chất thải lỏng y tế nguy hại được phát sinh từ các hoạt động chuyên môn ( từ các phòng phẩu thuật, xét nghiệm, thí nghiệm …) và sinh hoạt của nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người chăm nuôi ( từ các nhà vệ sinh, giặt giũ, từ việc làm vệ sinh phòng bệnh.

Đối với nước thải bệnh viện ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thông thường còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chuẩn đoán và điều trị.

Chất thải thông thường (hay chất thải không nguy hại) là chấy thải không chưa yếu tố lây nhiễm, hóa học nguy hại, phóng xạ, dễ cháy nổ, bao gồm: chất thải sinh học phát sinh từ các buồng bệnh (trừ các buồng bệnh cách ly); chấy thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế (chai, lọ thủy tinh, chai lọ huyết thanh, các vật liệu nhựa, các loại bột bó trong gãy xương kín. Những chất thải này không dính máu, dịch sinh học và chứa các chất hóa học nguy hại).

Đối với môi trường, khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, hệ sinh thái.

Hiện trạng quản lý chất thải y tế tại Việt Nam

Ở Việt Nam, mỗi ngày có 120 nghìn m3 nước thải y tế được thải ra, 350 – 400 tấn chất thải y tế, trong đó, 42 tấn chất thải y tế độc hại cần được xử lý. Nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý xả ra môi trường đang là một vấn đề gây bức xúc trong nhân dân các khu vực lân cận vì nó gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt. Thậm chí, nhiều nơi ứ đọng, thẩm thấu còn ảnh hưởng đến cả mạch nước ngầm. Mỗi ngày, các bệnh viện xả hàng triệu mét khối nước thải ra môi trường, một phần trong số đó mang theo mầm bệnh hòa vào dòng chảy mương, máng, sông ngòi qua các khu dân cư.

Nước thải của một số bệnh viện ô nhiễm nặng vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép: 82,54% tụ cầu vàng, 15% trực khuẩn mủ xanh, 52% E.coli… Chúng có hàm lượng vi sinh cao gấp 1.000 lần cho phép với nhiều loại vi khuẩn nấm, ký sinh trùng, virut bại liệt… mà khi hòa vào nước thải sinh hoạt, sẽ bị phát tán, có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, nhất là rau thủy canh và trở lại với con người. Việc tiếp xúc gần với nguồn ô nhiễm còn làm nảy sinh nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác cho con người.

Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở y tế hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý chất thải y tế. Trong số 1.263 bệnh viện (BV), có công trình xử lý nước thải chiếm 53,4%, còn 46,6% hầu như không có. Đối với chất thải rắn, 90% BV thu gom hằng ngày, 67% BV xử lý bằng lò đốt, than bùn hoặc công nghệ đốt khác, 32,2% xử lý bằng lò đốt thủ công hoặc chôn lấp trong BV.

Việc sử dụng lò đốt thủ công để xử lý chất thải “nhả khói”, cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các trạm y tế xã hầu như chưa có hệ thống xử lý rác thải, phải chôn lấp.

Sử dụng lò đốt thủ công để xử lý chất thải Y tế

Trong hầu hết các bệnh viện huyện chất thải y tế được chôn lấp tại bãi công cộng hay chôn lấp trong khu đất của một số bệnh viện. Trường hợp chôn lấp trong bệnh viện, chất thải được chôn vào trong các hố đào và lấp đất lên, nhiều lớp đất phủ trên quá mỏng không đảm bảo vệ sinh. Tại các bệnh viện không có lò đốt tại chỗ, bào thai, nhau thai và bộ phận cơ thể bị cắt bỏ sau phẫu thuật được thu gom để đem chôn trong khu đất bệnh viện hoặc chôn trong nghĩa trang tại địa phương. Nhiều bệnh viện hiện nay gặp khó khăn trong việc tìm kiếm diện tích đất để chôn.

Vật sắc nhọn cũng được chôn lấp cùng với các chất thải y tế khác tại khu đất bệnh viện hay tại bãi rác công cộng, dễ gây rủi ro cho nhân viên thu gom, vận chuyển chất thải và cộng đồng.

Hầu hết các bệnh viện, phòng khám tư nhân ở vùng sâu, vùng xa đều không xử lý, hoặc xử lý qua loa rồi xả thẳng ra môi trường. Nhiều tỉnh, 100% bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải. Ở nhiều cơ sở y tế, nhà vệ sinh của bệnh nhân không có bể phốt và được thải ra mà không qua xử lý. Chất thải này có thể rò rỉ trực tiếp vào trong môi trường do hệ thống ống thoát nước bị hư hỏng. Hầu hết các cơ sở y tế không có đủ ngân sách hoặc cơ sở vật chất để xử lý loại rác thải này.

Như vậy hoạt động thiêu đốt chất thải bệnh viện tại nguồn vẫn sử dụng lò thủ công, không có hệ thống xử lý khí thải. Khói đen bốc lên từ lò đốt chứa khí thải độc hại như SOx , NOx , COx , Dioxin, Furan… gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Một số bệnh viện đã lắp đặt lò đốt chất thải hiện đại, nhưng hiệu suất hoạt động của lò không cao.

Nguyệt Nương

Bài liên quan
  • Rác thải tại khu cách ly được xử lý như thế nào?
    Moitruong.net.vn – Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Rác thải y tế – Bài 1: Thực trạng công tác xử lý chất thải rắn y tế