Từ đầu năm đến nay, huyện Kon Plông gánh chịu 20 trận động đất
Các trận động đất này xảy ra vào khoảng từ 1h41 đến 2h59 rạng sáng nay, với độ lớn từ 2.5 đến 3, với độ sâu chấn tiêu trong khoảng từ 8 đến 8,3 km. Đây là những rung chấn với cường độ không mạnh nên không gây thiệt hại.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình động đất tại khu vực này.
Trước đó, trong ngày 21/8, cũng tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, hệ thống của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã ghi nhận 4 trận động đất xảy ra tại đây.
Còn từ đầu năm đến nay, khoảng 260 trận động đất đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó trận động đất lớn nhất có độ lớn 5.0 xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28/7, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Đây đều là động đất kích thích do quá trình tích nước của các hồ chứa đập thủy điện tại khu vực này.
Những trận động đất liên tiếp xảy ra tại đây có bất thường?
Nhận định về những trận động đất liên tiếp xảy ra tại đây, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho rằng, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn. Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn, tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, hiện tại chưa thể dự báo được khi nào tình trạng động đất này sẽ kết thúc. Hiện tượng động đất kích thích do xây dựng hồ thủy điện là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam không riêng khu vực huyện Kon Plông, mà các thủy điện ở khu vực sông Đà cũng có động đất kích thích. Thời điểm xảy ra hiện tượng động đất cũng khác nhau.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Anh, động đất kích thích liên quan đến các yếu tố mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tuy nhiên cần có nghiên cứu làm rõ cơ chế tác động, mối quan hệ giữa hoạt động tích nước và động đất kích thích.
Mới đây, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt thêm 1 trạm quan trắc tự động ở xã Măng Bút, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Tính đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 12 trạm quan trắc để theo dõi tình hình động đất tại Kon Tum, trong đó có 8 trạm cố định và 4 trạm di động.
Viện cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về động đất để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.