Rừng nguyên sinh bị “cạo trọc”, sạt lở đất hoành hành

VP BCĐPCLB|13/10/2017 23:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 13/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Họp thông tin tới báo chí về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10 – 12/10/2017. 

Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp

Nói về nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền núi phía Bắc, ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT phân tích, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường còn có cả nguyên nhân chủ quan. Đó là, ở các tỉnh miền núi phong tục tập quán của người dân thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.

“Tôi đã thấy những khu vực ở miền núi người dân đã phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà này dẫn đến thiệt hại về người. Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán. Chính phủ cũng đã có chủ trương sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng công tác này đang còn rất hạn chế” – ông Hoài nói.

Nói thêm về nguyên nhân chủ quan dẫn đến hiện tượng sạt lở đất đá khi có mưa lũ ở miền núi, ông Hoài chia sẻ: “Tôi đi thực tế ở một số miền núi như Sơn La, Yên Bái đã thấy xuất hiện nhiều những cánh rừng nguyên sinh bị “cạo trọc”, thay vào đó là những nương ngô. Do đó, khi có mưa lũ, sẽ không còn những cánh rừng che chắn nên mới gây sạt lở đất đá. Mà để khôi phục những cánh rừng nguyên sinh phải mất hàng chục năm”.

hop1Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương

Tại cuộc họp, cơ quan báo chí đã đặt vấn đề về việc khâu dự báo mưa còn nhiều hạn chế nên các địa phương mới bị động trong công tác phòng, chống với đợt mưa lũ như vậy. Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương giải thích, dự báo mưa đã khó, dự báo chính xác định lượng mưa bao nhiêu lại càng khó hơn, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng như vậy.

Đợt áp thấp vừa qua gây mưa rộng từ Quảng Nam ra đến Hòa Bình, Yên Bái. Chia làm 2 đợt mưa trước và sau áp thấp. Dự báo cơ bản sát với thực tế. Tuy nhiên có nhiều yếu tố gây mưa cực đoan ở Hoà Bình chỉ trong vòng 6 tiếng với gần 300 mm, có ngày lên tới 500 mm. Ứng phó với lượng mưa cực đoan càng khó. Hoàn lưu sau bão thường mưa nửa đêm về sáng. Các bản tin buổi chiều rất quan trọng, vì vậy chỉ có thể dự báo xa. Tại thời điểm này rất khó khăn ứng phó và truyền tin.

Để khắc phục là bài toán khó, nhưng phải cải thiện dần từng bước, trong đó từ hệ thống quan trắc, giám sát từ xa, cảnh báo hiện đại, sử dụng khoa học công nghệ mới để kịp thời có thông tin ứng phó, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, khi gặp các loại hình thời tiết như kết hợp giữa không khí lạnh với hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới thì khâu dự báo định lượng mưa lại càng khó hơn.

hop2Ông Lê Thanh Hải (bìa trái) đánh giá ban đầu đầu về cơn bão số 11

“Khi bị ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, bão thường xảy ra mưa rất lớn và chủ yếu mưa vào ban đêm hoặc gần sáng, do đó, các bản tin dự báo cuối giờ chiều là rất quan trọng. Để khắc phục những hạn chế trong khâu dự báo, thời gian tới cơ quan khí tượng thủy văn cần được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại như các hệ thống quan trắc, radar…Ngoài ra, khi sản xuất ra các bản tin dự báo rồi thì khâu truyền bản tin này đi đến với các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng cũng là một vấn đề, cần được nâng cấp” – ông Cường nói thêm.

Nói về việc hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ cấp tập trong đêm dẫn đến nhiều địa phương dưới hạ du ngập lụt, ông Trần Quang Hoài giải thích, ở miền Bắc từ ngày 15/9 là kết thúc mùa mưa, từ ngày này đến 30/9 hồ Hòa Bình được phép tích nước ở cao trình 117m. Khi xuất hiện mưa lớn vào các ngày từ 9-12/10, nước về hồ Hòa Bình rất lớn, do đó theo quy trình 6 tiếng phải mở 1 cửa xả, nhưng do nước đến dồn dập nên phải xả cấp tập, điều này vẫn đúng quy định.

“Tôi đã trực tiếp lên làm việc tại nhà máy thủy điện Hòa Bình, các khúc gỗ nổi trên mặt hồ, nước dồn dập đổ về đây, gỗ va đập vào các cửa van, nếu không xả gấp thì nguy cơ mất an toàn tại các cửa van và đập rất cao” – ông Hoài nói.

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về đánh giá ban đầu về cơn bão số 11 đang hoạt động trên Biển Đông, ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay, bão số 11 đang di chuyển chậm và tích lũy thêm năng lượng. Khi bão đổ bộ vào khu vực đảo Hải Nam sẽ ở cấp 11-12, giật cấp 13-14, nhưng khi vào Vịnh Bắc Bộ cường độ bão sẽ giảm dần.

Khu vực bão đổ bộ vào đất liền nước ta chưa được xác định cụ thể, nhưng kéo dài từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế.

Mặc dù bão số 11 chưa được xác định cụ thể khu vực đổ bộ, nhưng nhiều khả năng vẫn vào khu vực Bắc miền Trung. Tại khu vực này, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã đầy nước, nên công tác ứng phó với bão số 11 là rất quan trọng.

Về nội dung này, ông Trần Quang Hoài cho biết: “Hiện các hồ ở Bắc miền Trung chúng tôi đã yêu cầu đơn vị quản lý theo dõi sát sao, có sự cố phải khắc phục ngay. Đồng thời, tại các hồ này đã được chỉ đạo cho xả nước dần để đề phòng mưa lớn do bão số 11”.

VP BCĐPCLB


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Rừng nguyên sinh bị “cạo trọc”, sạt lở đất hoành hành
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.