Sa Pa: Sạt lở đất làm sập nhà khiến một người tử vong
Sạt lở đất xảy ra lúc 4h sáng 15/5 tại tổ 3, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa khiến một ngôi nhà bị vùi lấp, một phụ nữ tử vong. Mưa lớn kéo dài được xác định là nguyên nhân gây sạt lở.
Thông tin từ UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết, vào lúc 4 giờ sáng ngày 15/5, tại khu vực tổ 3, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa đã xảy ra vụ sạt lở đất, làm sập một nhà của người dân. Khi xảy ra vụ sạt lở, trong nhà có một người ở.

Ngay sau khi nhận được thông tin, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ tập trung cáu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người bị vùi lấp.
Đến 8h sáng nay, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, Nạn nhân được xác định là bà Vũ Thị L, sinh năm 1958, trú tại tổ 7, phường Sa Pa.
Được biết, trận mưa lớn đêm về sáng ngày 15/5 cũng gây sạt lở một số tuyến đường trên địa bàn thị xã Sa Pa. Hiện lực lượng chức năng tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả, bảo đảm thông tuyên giao thông để người dân đi lại an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, rạng sáng nay và đêm qua (14/5), ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.

Lượng mưa tính từ 22h ngày 14/5 đến 3h ngày 15/5 có nơi trên 60mm như Tả Lèng (Lai Châu) 138mm, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) 68mm, Cảm Nhân (Yên Bái) 77mm, Thái Hòa (Tuyên Quang) 63mm…
Dự báo ngày và đêm nay ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Mưa dông tập trung vào sáng và đêm.
Chiều và tối ngày 15/5, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
"Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp" - cơ quan khí tượng cảnh báo.
Sạt lở đất không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường. Cụ thể:
- Mất lớp đất màu: Sạt lở cuốn trôi lớp đất mặt – phần giàu dinh dưỡng nhất, làm suy thoái đất, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và hệ sinh thái nông nghiệp.
- Phá hủy thảm thực vật: Cây cối bị bật gốc, rừng bị tàn phá làm mất đi lớp phủ tự nhiên, khiến đất càng dễ bị xói mòn trong tương lai.
- Biến đổi địa hình: Địa hình bị thay đổi đột ngột, dòng chảy tự nhiên của suối, sông có thể bị chặn hoặc chuyển hướng, dẫn đến nguy cơ lũ quét, ngập úng cục bộ.
- Gây ô nhiễm nguồn nước: Bùn đất, chất thải từ sạt lở có thể tràn vào sông suối, làm đục nước, ảnh hưởng đến sinh vật thủy sinh và chất lượng nước sinh hoạt của người dân.
- Làm gián đoạn chuỗi sinh thái: Việc phá vỡ môi trường sống tự nhiên ảnh hưởng đến các loài động, thực vật bản địa, dẫn đến mất cân bằng sinh thái.