Sẵn sàng nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Quý Mão 2023

Nguyên Lâm|10/12/2022 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ước dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...

Thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, ngày 8/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị cùng với đại diện các Bộ ngành, địa phương.

Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay rất gần với Tết Dương lịch (chỉ cách nhau 20 ngày) nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết đã được các cấp ngành, DN tích cực triển khai từ sớm. Chủ trì Hội nghị liên ngành về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các Bộ NN&PTNT, Ngân hàng, Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố và các DN, hiệp hội ngành hàng tăng cường các giải pháp đảm bảo cung - cầu hàng hoá, bình ổn thị trường - giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

hang-hoa-dip-tet.jpg
Nguồn cung hàng hóa đã được các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ bảo đảm phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Thông tin từ các địa phương cho thấy, thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sẽ sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, DN gấp rút triển khai. Ước dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10%-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm năm 2022 tương đối thuận lợi, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu dồi dào nên bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

“Đến tháng 11 tổng đàn lợn đã tăng khoảng 12,4%, gia cầm tăng 5,4%, bò tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 202. Ước tính đến hết tháng 12, sản lượng các loại thịt ước đạt khoảng 6,98 triệu tấn, tăng khoảng gần 4% so với năm 2021; Trứng khoảng 18,4 tỷ quả, tăng 4,6%. Để chủ động điều hành đảm bảo nguồn cung, Bộ NN&PTNT đã chủ động cập nhật thông tin diễn biến thị trường, giám sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu, hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản, gây biến động giá...”, ông Duy cho biết.

Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng… thông tin, ngay từ đầu tháng 11, Sở Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; Đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

UBND một số tỉnh, thành phố cũng đã có chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động…

Ngoài ra, một số địa phương tiếp tục linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường như mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện bình ổn. Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện chương trình bình ổn thị trường, UBND một số địa phương tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bình ổn như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…

Để bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có ý kiến đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính.

Trong đó, lưu ý đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ vốn vay, thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, có kế hoạch triển khai các chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng chính sách về các vùng sâu, vùng xa; Đồng thời chú trọng công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Quý Mão 2023