TP. HCM tháo gỡ những điểm nghẽn, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ

Nguyên Lâm|07/12/2022 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP.HCM đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 nhằm thực hiện tốt chủ đề năm và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, TPHCM chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội; tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X sáng 7/12, UBND TP.HCM đã có tờ trình trình HĐND TP về tình hình kinh tế - xã hội 2022 cũng như đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển trong năm 2023.

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM phục hồi mạnh mẽ và có nhiều điểm sáng. Trong đó, thu ngân sách có sự tăng trưởng tích cực, ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%).

Việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025 tiếp tục phát huy tác dụng, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Các dự án công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư.

Các cơ chế, chính sách dành cho thành phố tiếp tục được thực hiện rộng rãi và tạo động lực để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị trên thành phố và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và TP.Thủ Đức.

Dù vậy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhìn nhận, kinh tế - xã hội TP.HCM cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, kinh tế TP.HCM có độ mở lớn, chịu tác động trực tiếp trước các biến động của tình hình quốc tế; thị trường tài chính, tiền tệ đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản suy giảm.

Cùng với đó, tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.

pho-chu-tich-ubnd-tp-hcm-phan-thi-thang.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng báo cáo kết quả kinh tế - xã hội TPHCM năm 2022 và các tờ trình. Ảnh: V.D

Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm công vụ, công tác phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp giữa các sở ngành còn chậm. Nhất là trong việc trao đổi, xin ý kiến chuyên môn, một số đơn vị trả lời thiếu cụ thể, không tập trung vào nội dung, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công việc, gián tiếp ảnh hưởng đến chi phí cơ hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng.

Trước những kết quả đạt được và khó khăn gặp phải trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM dự báo năm 2023, TP.HCM có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, khó dự đoán.

Năm 2023, UBND TP đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển. Trong đó đáng chú ý là việc chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội, tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu, thích ứng, tập trung phát triển các thị trường.

Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là bốn chương trình trọng điểm, đột phát, hoàn chỉnh quy hoạch TP, phối hợp nghiên cứu, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phát triển TP và cơ chế thực hiện thí điểm những vấn đề mới phát triển TP.HCM.

UBND TP cũng kiến nghị tiếp tục triển khai Nghị quyết 54 trong đó tập trung vào khắc phục các điểm còn hạn chế, nghiên cứu các cơ chế chính sách thí điểm mới với tinh thần TP sẽ là nơi đi đầu, thực nghiệm các mô hình mới, mô hình tiên tiến tạo động lực phát triển. Đồng thời tập trung triển khai Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành.

Một giải pháp khác được UBND TP đưa ra là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, hiệu quả hoạt động công vụ và đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó phần đấu chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tình, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên địa bàn TP năm 2023 cao hơn năm 2022 về xếp loại và xếp hạng; tỉ lệ người dân hài long với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.

Ngoài ra, UBND TP cũng đề xuất các giải pháp về việc tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công và đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và xây dựng TP thông minh; quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. HCM tháo gỡ những điểm nghẽn, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ