Các dữ liệu cho thấy Châu Á đã tăng sản lượng điện sạch và cắt giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn Bắc Mỹ và Châu Âu, tính từ năm 2015, cho thấy thái độ phản kháng của các quốc gia Châu Á trước nỗ lực của phương Tây nhằm cắt nguồn tài chính tư nhân cho năng lượng đốt than.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên hợp quốc, có được sự đồng thuận rộng rãi rằng việc tăng cường năng lượng sạch, như gió và mặt trời, là trọng tâm để hạn chế lượng khí thải carbon nhằm chống lại biến đổi khí hậu, 118 chính phủ, dẫn đầu là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo của thế giới vào năm 2030.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ đã không ủng hộ cam kết COP28 vì đi kèm với việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, điều mà hai nước này coi là cần thiết để đáp ứng một cách đáng tin cậy nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh.
Các số liệu cho thấy Châu Á đã tăng sản lượng điện sạch và giảm tỷ lệ điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn Bắc Mỹ và châu Âu trong giai đoạn 2015-2022.
Phân tích số liệu của Reuters cho thấy Châu Á vượt Châu Âu và Bắc Mỹ trong nỗ lực chống Biến đổi Khí hậu kể từ sau khi các nước đồng thuận về Hiệp định Paris vào năm 2015.
Theo số liệu của Tổ chức Tư vấn về Khí hậu và Năng lượng Ember (phi lợi nhuận và độc lập) của Anh, Châu Á đã tăng cường sản xuất điện sạch từ các nguồn như năng lượng hydro và hạt nhân, khi tỷ trọng trong sản lượng chung tăng 8 điểm phần trăm lên 32% trong giai đoạn trên.
Trong khi đó, tỷ trọng năng lượng sạch tại châu Âu tăng trên 4 điểm phần trăm lên 55%, còn tại Bắc Mỹ tăng hơn 6 điểm phần trăm lên 46%. Châu Á đã giảm tỷ trọng đóng góp của nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện 8 điểm phần trăm, xuống 68%.
Châu Á đang phát triển nhanh, nơi cư trú của một nửa dân số thế giới, chiếm 3/5 lượng khí thải toàn cầu từ sản xuất điện, trong đó có cả từ các ngành xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang phương Tây. Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục xây dựng các nhà máy đốt than mới để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng nhanh.