– Với Nguyễn Đức Thông và Dương Minh Xuân, hai chàng sinh viên thích mày mò sáng tạo khoa học, một chiếc thùng rác thông minh không chỉ làm sạch môi trường mà còn phải biết…nhận diện được con người cũng như tiết kiệm năng lượng.
Thùng rác được chia thành 2 ngăn nhằm phân loại rác
Ý tưởng sáng tạo về những chiếc thùng rác thông minh xuất hiện rất nhiều trong các cuộc thi về khoa học trẻ, sáng tạo công nghệ – kỹ thuật. Xuất phát từ tình trạng vứt rác bừa bãi với ý thức kém của nhiều người, hai bạn Nguyễn Đức Thông và Dương Minh Xuân đã nghĩ đến việc cần cải thiện chất lượng môi trường xung quanh thông qua việc cải tiến thùng rác. “Theo em, việc bỏ rác đúng cách cũng là bảo vệ môi trường”, Nguyễn Đức Thông chia sẻ.
Cùng là sinh viên lớp 14TDH1 thuộc khoa Điện (ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng), Thông và Xuân đã cùng nhau mày mò và thực hiện ý tưởng. Sau nhiều nỗ lực, chiếc thùng rác thông minh với tên gọi đơn giản SmartBin đã ra đời. SmartBin có cấu tạo gồm 3 phần chính là phần nắp, phần thân và phần đáy thùng.
Hệ thống điều khiển bên trong thùng rác
Phần đáy thùng sẽ xử lý nước thải với khay đựng nước thải được lắp sẵn
Trong đó, phần nắp được lắp pin mặt trời và cảm biến nhận diện – phát hiện người đến. Phần thân bao gồm 2 thùng con tương đương với 2 ngăn phân loại rác tái chế và không tái chế, có cảm biến phát hiện rác đầy, bộ điều khiển và ác-quy cùng than hoạt tính xử lý mùi hôi có trong rác thải. Phần đáy thùng sẽ xử lý nước thải với khay đựng nước thải được thiết kế hợp lý.
Năng lượng từ ánh sáng mặt trời sẽ được nạp vào ắc-quy qua tấm pin trên phần nắp. Thùng rác sẽ hoạt động hoàn toàn bằng nguồn năng lượng “miễn phí” này. Nắp thùng rác sẽ tự động mở ra khi có người đến và đóng lại khi con người đi khỏi. Khi rác đầy thì hệ thống truyền dẫn tự động thông báo về trung tâm xử lý rác để xử lý kịp thời. Nước thải sẽ được đưa từ ngăn rác đến khay đựng thông qua ống lọc nhiều tầng với than hoạt tính, cát, sỏi. Trên thùng còn có hình ảnh minh họa và loa hướng dẫn nhắc nhở mọi người bỏ rác đúng loại.
Thiết kế của SmartBin đảm bảo việc xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường do các loại thùng rác thông thường gây ra, cũng như góp phần tạo cảnh quan môi trường đô thị xanh – sạch – đẹp.
“Sản phẩm của nhóm em vẫn còn nhược điểm do giá thành sản xuất của thùng rác còn cao (2 triệu đồng) và phần năng lượng chưa được xử lý tối ưu”, Thông cho biết. Đó cũng là vấn đề mà hai bạn đang cố gắng cải tiến. Dự án cũng hy vọng nhận được sự tài trợ để có thể tiến tới thương mại hóa, đưa sản phẩm ra thị trường.
Sản phẩm đã giành được Giải khuyến khích tại Cuộc thi “Monokon 2016 – Internet of Things Now and Future” do Công ty Global CyberSoft Việt Nam tổ chức; giải ý tưởng trong cuộc thi nghiên cứu khoa học của khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa; đồng thời giành giải ba tại Triển lãm sản phẩm Bách khoa Đà Nẵng – Techshow 2016.