Sáng kiến đổi rác lấy gạo giúp bãi biển sạch hơn ở Philippines

Thùy Minh|03/07/2024 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, mới đây, các tình nguyện viên tại một thị trấn gần thủ đô Manila của Philippines đã tổ chức chương trình đổi rác thải nhựa lấy gạo.

Tình nguyện viên Giulio Endaya cho biết, vùng duyên hải Mabini ở tỉnh Batangas được biết đến với những rạn san hô rực rỡ và đa dạng sinh học biển, nhưng làn sóng ô nhiễm nhựa gia tăng đã gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với các loài động vật biển.

Anh Endaya chia sẻ: “Rùa biển có thể chết nếu ăn ống hút và túi nhựa, đồng thời cá cũng ăn phải các hạt vi nhựa bị rã”.

Anh Endaya và nhóm tình nguyện viên từ chương trình “Plastic Palit Bigas” (nhựa đổi lấy gạo) khuyến khích người dân thị trấn Mabini đổi các bao rác thu được từ bãi biển - bất kể trọng lượng - để lấy 1kg gạo.

doi-rac-lay-gao.jpg
Vùng duyên hải Mabini là địa điểm lặn biển nổi tiếng của Philippines

Theo anh Endaya, kể từ khi chương trình đổi rác lấy gạo bắt đầu vào tháng 10/2022, hơn 4,3 tấn rác thải nhựa đã được thu gom. Đổi lại, 2,6 tấn gạo đã được phân phát. Gạo được phân phát trong các bao 1kg, đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của một gia đình nhỏ.

Mabini là địa điểm lặn biển nổi tiếng nằm trong Tam giác san hô, một trung tâm đa dạng sinh học biển toàn cầu. Anh Endaya cho biết, khu vực này đã chứng kiến ​​sự gia tăng lượng rác thải dọc theo bờ biển mỗi năm.

“Tôi đã thấy rùa biển vướng vào lưới và các loại nhựa khác... Gần đây, chúng tôi tìm thấy ngày càng nhiều hạt vi nhựa trong những loại cá mà chúng ta ăn, vì vậy nó cũng có hại cho con người” - anh nói thêm. 

Người dân vùng duyên hải Mabini, tỉnh Batangas, Philippines hào hứng thu gom rác thải trên bãi biển để đổi gạo

Các nhà tài trợ tư nhân và các công ty nhỏ đóng góp tài trợ cho chương trình. Điều này giúp các gia đình có thu nhập thấp giảm hóa đơn lương thực sau khi giá gạo tăng mạnh trong những năm gần đây.

“Trong 1 tháng, tôi cần 4 bao rưỡi gạo. Bây giờ tôi chỉ phải mua 2 bao, chương trình là sự giúp đỡ rất lớn” - cư dân Janeth Acevedo (46 ​​tuổi) nói khi phân loại số rác mà mình vừa thu thập.

Theo báo cáo cập nhật vào tháng 4/2022 của dự án Our World in Data tại Đại học Oxford, Philippines là nước thải ra rác thải nhựa trên đại dương lớn nhất thế giới, chiếm 36% tổng lượng rác thải toàn cầu.

Bài liên quan
  • Chương trình đổi rác lấy quà - một năm nhìn lại
    Sáng ngày 28/12, tại trụ sở Hội LHPN quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh diễn ra chương trình Tổng kết phong trào “Chống rác thải nhựa”; Công tác bảo vệ môi trường xây dựng Thành phố Xanh – Sạch đẹp – Thân thiện môi trường giai đoạn 2018 - 2023 và chương trình “Thu gom túi nilon đã qua sử dụng và các vật dụng tái chế” năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến đổi rác lấy gạo giúp bãi biển sạch hơn ở Philippines