Một nhóm các nhà khoa học do phó giáo sư Vincent G. Gomes tại Đại học Sydney, Úc dẫn đầu đã tìm ra cách biến lõi trái cây từ sầu riêng và mít thành bộ phận chính yếu trong các siêu tụ điện hiệu suất cao, hoặc các thiết bị lưu trữ năng lượng, từ đó có thể phát triển thêm thành những ứng dụng như pin cho thiết bị điện tử và vận chuyển.
Chính do mùi hương của nó, sầu riêng bị cấm tại nhiều khu vực công cộng tại châu Á. Tuy nhiên, đây cũng là loại quả gây nghiện với những người đã từng nếm và thưởng thức chúng.
Còn với các nhà khoa học, loại quả này rất có ích vì phần bỏ đi của chúng có thể sản sinh điện năng và trong tương lai, đây có thể là nguồn cung năng lượng cho xe điện và điện thoại di động tại nhiều nơi.
Lớp ruột trắng bên trong mít và sầu riêng có thể được biến thành vật liệu cho pin siêu tích trữ năng lượng
Mít và sầu riêng là hai loại quả mà có 70% thành phần quả không thể ăn. Do đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney của Australia đã sử dụng những thành phần bỏ đi để tạo ra kho điện thân thiện với môi trường, không mùi, phục vụ hoạt động sạc nhanh cho các thiết bị điện, thay vì sẽ phải tiêu tốn một khoản tiền lớn để tiêu hủy chúng.
Để tạo ra “kho” điện này, các nhà nghiên cứu xử lý phần bỏ đi của sầu riêng và mít theo một quy trình chôn lấp, hun nóng bằng nước và ướp lạnh làm khô. Qua quy trình này, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra các kho chứa điện năng phục vụ nhu cầu sạc nhanh
Các siêu tụ điện có hai ưu điểm chính so với pin được sử dụng trong các thiết bị như điện thoại thông minh là có thể được sạc lại rất nhanh và sạc nhiều lần mà không làm giảm hiệu suất, không giống như pin lithium-ion dựa vào phản ứng hóa học để tạo ra năng lượng.
Mặc cho những lợi ích này, các siêu tụ điện không được sử dụng rộng rãi như pin vì chúng thường có mức trữ năng lượng thấp hơn và có giá khá cao. Gomes và nhóm của ông hy vọng sẽ khắc phục nhược điểm trên, bằng cách chuyển sang chất thải hữu cơ tương đối rẻ tiền từ mít và sầu riêng.
>>> Xem thêm: Australia: Tạo ra điện từ cùi sầu riêng
Các nhà khoa học mô tả chi tiết quá trình trích xuất các mẫu sinh khối từ “lõi xốp không ăn được của trái cây” – hoặc phần xơ trắng bao bọc múi – để biến chúng thành dạng vật liệu màu đen, rất xốp và siêu nhẹ như mô tả trong một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Journal Of Energy Storage số tháng 2/2020.
Dù vượt trội hơn pin cho thiết bị điện tử ở hai điểm là sạc lại rất nhanh, sạc nhiều lần vẫn không giảm hiệu suất, nhưng siêu tụ điện hiện vẫn chưa phổ biến vì mật độ năng lượng thấp hơn và giá cả đắt đỏ. Hỗn hợp carbon-graphene phủ điện cực trong siêu tụ điện có giá tiêu chuẩn khoảng 96 – 120 USD/gam, do đó nhóm của giáo sư Gomes hy vọng chuyển sang sử dụng chất hữu cơ từ sầu riêng và mít giúp giảm chi phí.
Hiện, các nhà nghiên cứu đang cùng các công ty nghiên cứu, chế tạo ra một loại pin mới có thể được bán ra thị trường, góp phần đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái sinh, cải thiện môi trường và đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngọc Linh (t/h)