(Moitruong.net.vn) – Không ít tuyến đường, khu du lịch ven biển ở tỉnh Bình Thuận đang đối mặt với ô nhiễm môi trường bởi nạn rác thải các loại. Điều này khiến nhiều khách du lịch trong, ngoài nước đến đây không khỏi ái ngại. Theo đó, địa phương sẽ tiến hành phạt nặng những trường hợp gây ô nhiễm khu vực ven biển.
Thu gom rác thải ven biển
Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường bởi nạn rác thải trên các tuyến đường, khu du lịch cộng đồng ven biển luôn là vấn nạn “đau đầu” đối với các cấp, ngành quản lý của các huyện, thị, thành phố ven biển trong tỉnh. Cung đường nhựa chạy dọc biển từ Long Sơn – Suối Nước, phường Mũi Né (TP. Phan Thiết) ra hai xã Hồng Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình), không khó bắt gặp ven lề đường với các loại rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất nông nghiệp, rác thải du lịch. Trở ra, đoạn xã Hòa Thắng – Lương Sơn, cung đường đẹp, rộng rãi trải dài trên địa hình bằng phẳng với một bên là bàu Ông, bàu Bà thơ mộng; nhưng tới địa phận thị trấn Lương Sơn, rác thải sinh hoạt hai bên đường đã làm giảm cảm hứng cho du khách. Tuyến đường ven biển từ thị trấn Phan Rí Cửa nối hai xã Chí Công, Bình Thạnh (Tuy Phong) với những hàng dương xanh ngắt, rì rào, say đắm khách phương xa, bất ngờ gặp phải những chiếc bao màu trắng chứa đựng vỏ ốc, vỏ sò bốc mùi.
Tương tự, các tuyến đường ven biển phía Nam cũng vậy. Từ quốc lộ 55 (Hàm Tân – TX. La Gi) nối tỉnh lộ ĐT 719 (TX. La Gi – Hàm Thuận Nam – TP. Phan Thiết), ở những đoạn đường vắng thưa nhà, không thiếu hình ảnh từng đống ni lông đựng rác thải sinh hoạt, mùi hôi do phơi hải sản hai bên đường. Cùng với đó vẫn còn tình trạng người dân địa phương, khách du lịch, hành hương xả rác ở các khu du lịch cộng đồng ở bãi biển Cam Bình (xã Tân Phước), dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến) thị xã La Gi, bãi biển Mũi Né, Hòn Rơm (Phan Thiết), Bình Thạnh (Tuy Phong)… Ở thành phố du lịch Phan Thiết, La Gi, thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa (Tuy Phong) rác quăng bừa bãi ở các khu dân cư đông đúc ven biển… Bởi vậy, các huyện, thị, thành phố cần tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thành lập mô hình tổ phụ nữ, cựu chiến binh thu gom rác thải; tập huấn cho các đối tượng về Nghị định 155/2016/NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Nghị định 179 năm 2014/CP trước đây. Trong đó nổi bật là mức xử phạt tiền cao hơn (hành vi xả rác thải bị phạt 3 triệu đồng, cao gấp 10 lần quy định cũ là 300.000 đồng); quy định cụ thể và rõ hơn các đối tượng, hành vi, thẩm quyền xử phạt, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Phó Giám đốc Sở TN & MT tỉnh Bình Thuận, ông Lê Hùng Việt cho biết, Nghị định 155 của Chính phủ ra đời là “cây gậy” pháp lý hữu hiệu nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của nó lại trông chờ rất nhiều vào việc thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể chính trị, người dân. Tất cả hãy cùng bắt tay vào cuộc với quyết tâm cao mới ngăn chặn những hành vi vi phạm vệ sinh môi trường công cộng, ven biển.
Theo BTO