– Là một vùng đất văn hiến, có truyền thống cách mạng và nền văn hóa giàu bản sắc. Bắc Ninh là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi và thế mạnh về nguồn lực con người. Phát huy truyền thống và tiềm năng đó, bước sang thời kỳ mới, Bắc Ninh đã và đang nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế gắn liền với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Thời gian vừa qua, công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã từng bước đi vào nền nếp. Đặc biệt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư ngày càng phát huy hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức và xây dựng một số các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tập trung vào các nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, thường xuyên mở lớp đào tạo nghiệp vụ về bảo vệ môi trường, nổi bật hơn cả là việc đánh giá kết quả thí điểm thực hiện 2 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo cơ sở để UBND thành phố Bắc Ninh, huyện Gia Bình nhân rộng mô hình và đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến người dân.
Ông Nguyễn Đại Đồng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh
Ông Nguyễn Đại Đồng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh được tiến hành thường xuyên. Phối hợp cùng Chi cục bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội, UBND huyện Yên Phong kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do đốt phế liệu tại xã Văn Môn theo phản ánh của cử tri các xã Thụy Lâm, Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (Văn bản số 8425/UBND-TNMT ngày 25/11/2015 của UBND thành phố Hà Nội). Đồng thời phối hợp với Tổng cục môi trường, Sở TN&MT Bắc Giang tiến hành xác minh làm rõ thông tin phản ánh của nhân dân tại văn bản số 530/TNMT-BVMT ngày 4/4/2016 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh 02 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã được Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh quan tâm và tiến hành chỉ đạo sát sao.
Từ những kết quả trên, nhiều điểm gây ô nhiễm môi trường đã được ngăn chặn xử lý và không phát sinh thêm; diện mạo cảnh quan môi trường các địa phương được phong quang, sạch đẹp. Mọi người dân đã có ý thức tự giác chung tay hưởng ứng cùng các cấp chính quyền trong hoạt động bảo vệ môi trường bằng những hình thức thiết thực. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một số khó khăn: Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý môi trường còn mỏng, khối lượng và tính phức tạp của công việc ngày một gia tăng. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường có dấu hiệu lẩn tránh khi phải xử lý. Đặc biệt là chi phí cho xử lý môi trường cao trong khi nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp…
Lò đốt rác chất thải nguy hại tại xã Phù Lãng, Quế Võ
Để từng bước khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, ngành Tài nguyên và môi trường của Tỉnh đã xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh theo kế hoạch; Giải quyết 100% đơn thư, khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra giải quyết các vấn đề về môi trường trên địa bàn. Tiếp tục triển khai hoạt động thẩm định, quản lý chất thải, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường hoạt động xã hội hóa và tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.
(Theo Thùy Dương – T/c Môi trường và Cuộc sống)