Sôi nổi khí thế ra quân sản xuất đầu năm ở các doanh nghiệp trên cả nước

Viên Minh|07/02/2022 15:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, ngày 7/2 (mùng 7 tháng Giêng) nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất ngay từ đầu năm với khí thế đầy hứng khởi, khẩn trương. Nhiều doanh nghiệp đến nay đã có đơn hàng đến hết quý III/2022.

Tại Hà Nội, những ngày đầu năm 2022, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã vận động đoàn viên, công nhân lao động thi đua nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh năng suất lao động.

Phấn đấu trong 2 năm 2022 và 2023, đội ngũ đoàn viên, người lao động đóng góp 28.000 sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn. “Đây sẽ là những hạt nhân tích cực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững”, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp đã “khai xuân” sản xuất đầu năm với khí thế sôi nổi

Đặt mục tiêu “nắm bắt” tốt nhất thời cơ của 4 tháng đầu năm 2022 để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh của ngành Sợi năm 2022, lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) cho biết, ngày từ sáng 4/2, toàn bộ 2 nhà máy sợi của đơn vị tại Khu Công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) đã hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. 100% cán bộ, nhân viên và người lao động trong hệ thống của Hanosimex cũng đã quay trở lại làm việc tại các chi nhánh Hà Nam và Nghệ An.

Với những dự báo năm 2022 ngành Sợi sẽ có những biến động, nhất là trong nửa cuối năm 2022, thì việc nắm bắt tốt cơ hội là điều mà Hanosimex cần nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu Tập đoàn giao. Đồng thời, Hanosimex cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện ngành May để tăng hiệu suất lao động, tiến tới mở rộng quy mô…

Là một trong những đơn vị có ngành Dệt – Nhuộm hoàn tất đầy đủ trong hệ thống của Vinatex, Dệt kim Đông Xuân cũng đón một năm mới với khí thế mới.

Ngày 7/2, Tổng Công ty cổ phần May 10 ra quân sản xuất với trên 90% người lao động quay trở lại làm việc.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, gần 400 công nhân viên Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) bước vào ca sản xuất chính thức đầu tiên của năm mới để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu đầu năm vào ngày 8/2.

Chị Lý Thị Ngọc Thảo, công nhân Công ty này chia sẻ, sau kỳ nghỉ Tết, anh chị em công nhân trong công ty đều háo hức đi làm trở lại để có thêm thu nhập sau một năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Không khí sản xuất đầu năm sôi nổi, phấn khởi, ai cũng mong muốn công việc trong năm mới sẽ thuận lợi, suôn sẻ, hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng phát triển.

Theo chị Thảo, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng trong năm 2021 và dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, lãnh đạo và đoàn thể công ty vẫn quan tâm, chăm lo tốt cho đời sống người lao động. Đây là động lực để người lao động ngày càng gắn bó và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp đã “khai máy” sản xuất từ ngày 5/2 (Mùng 5 Tết) nhưng hôm nay mới chính thức hoạt động trở lại với khoảng 90% lao động có mặt. Ngày đầu năm, công ty ra quân sản xuất lô hàng gồm cá diêu hồng để phục vụ xuất khẩu đi Hàn Quốc vào ngày 8/2.

Mở đầu năm 2022, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp khá phong phú cả về xuất khẩu và nội địa; trong đó, đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường như Hàn Quốc, Anh, Hà Lan khá đều đặn, khoảng 5-7 container/tháng. Trong khi đó, ở thị trường tiêu thụ nội địa, số lượng đơn hàng tươi sống phục vụ các hệ thống phân phối bán lẻ như Big C, Co.op đã bắt đầu từ ngày 5/2; các sản phẩm khô cá, tôm, mực đều khá đắt hàng – ông Dũng cho hay.

Cũng ra quân sản xuất hôm nay, 98% trong tổng số hơn 3.800 người lao động của Công ty TNHH Việt Thắng Jean, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã vào ca sản xuất đầu tiên, thực hiện đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường như Mỹ, EU.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, sau một năm đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, năm 2022, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng cao từ 10 – 15%. Con số này đặt trên cơ sở số lượng đơn hàng của hầu hết doanh nghiệp đều đảm bảo sản xuất đến hết quý I, quý II và uy tín của ngành dệt may Việt Nam được khẳng định trong thời gian qua. Dù khó khăn và phải sản xuất “3 tại chỗ” nhưng các doanh nghiệp dệt may vẫn đảm bảo “3 đúng” là đúng số lượng, chất lượng và tiến độ giao hàng cho các đối tác.

Năm vừa qua, các doanh nghiệp dệt may đã tái cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm và đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ để tăng năng suất; đồng thời, khai thác tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng… Đây là nền tảng để dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2022.

Riêng Việt Thắng Jean đặt mục tiêu tăng trưởng 15% so với năm 2021 nhờ số lượng đơn hàng khởi sắc. Trung bình mỗi ngày công ty xuất khẩu 1 container hàng, trong đó đơn hàng đi Mỹ gia tăng đáng kể.

Hay, nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) thậm chí đã ra quân sản xuất ngay từ mùng 4 – 5 Tết. Sáng 4/2, hai nhà máy Sợi tại KCN Đồng Văn (Hà Nam) của Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) đã hoạt động trở lại. Điều đáng mừng là 100% cán bộ nhân viên và người lao động trong hệ thống của Hanosimex cũng đã quay trở lại làm việc tại các chi nhánh Hà Nam và Nghệ An. Hay với Công ty TNHH Dệt kim Đông Xuân, Công ty CP Tiên Hưng… người lao động đã hăng hái quay trở lại sản xuất sau Tết.

Nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất, các doanh nghiệp đặt yếu tố phòng dịch lên hàng đầu. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 76 – Z76 (Bộ Quốc phòng) cho biết, ngay từ mùng 5 Tết, doanh nghiệp đã ra quân sản xuất với toàn bộ 100% cán bộ công nhân viên và người lao động quay trở lại làm việc.

“Chúng tôi luôn đặt yếu tố phòng dịch lên hàng đầu, ban lãnh đạo của công ty thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến về dịch bệnh và thực hiện nghiêm túc các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện quy định 5K và phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực Nhà máy cả trước, trong và sau kỳ nghỉ tết. Cùng với đó, công ty thực hiện test COVID-19 luân phiên từng bộ phận sản xuất để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch”, ông Phạm Anh Tuấn cho hay.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên 76 cho biết thêm, đến nay, doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng đến quý III/2022, với số lượng đơn hàng lớn như vậy, nên ban lãnh đạo công ty cũng như người lao động đã bắt tay ngay vào sản xuất với khí thế rất phấn khởi.

Còn ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen cho hay, doanh nghiệp ra quân sản xuất từ 6/2 với 100% quân số, công ty tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.

“Chúng tôi tiến hành test COVID-19 cho toàn bộ cán bộ công nhân viên trước khi quay trở lại làm việc để đảm bảo an toàn phòng dịch. Người lao động rất phấn khởi, sản xuất luôn 3 ca, ngay từ đầu năm chúng tôi đã xuất khẩu 5 container đi các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc… Mục tiêu năm 2022 của Hương Sen là tăng trưởng 120-130% so với năm 2021”, ông Đỗ Văn Vẻ cho hay.

Có thể thấy, việc nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến người lao động sau dịp Tết Nguyên đán như tổ chức chuyến xe đưa đón, tặng tiền thưởng, lì xì,… cho công nhân quay lại làm việc đúng lịch là giải pháp doanh nghiệp thực hiện để “kéo” công nhân quay lại nhà máy. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định ngay sau kỳ nghỉ lễ; hứa hẹn một năm thắng lợi hơn.

Viên Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi khí thế ra quân sản xuất đầu năm ở các doanh nghiệp trên cả nước