(Moitruong.net.vn) – Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, người dân huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) bước đầu đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
>>>Thanh Hóa: Thoát nghèo từ dự án chăn nuôi bò sinh sản
Sau khi hồ thủy điện Sơn La tích nước, huyện Quỳnh Nhai có hơn 10.500 ha mặt nước, đây là tiềm năng để huyện phát triển nuôi trồng thủy sản.
Người dân tham quan, mua bán tại Hội chợ cá sông Đà huyện Quỳnh Nhai năm 2018
Để phát huy tiềm năng, lợi thế mặt hồ huyện tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của tỉnh liên quan đến phát triển thủy sản, xây dựng HTX… Nhờ đó, số lượng các HTX thủy sản trong huyện ngày càng tăng.
Trong năm 2017, huyện thành lập mới 17 HTX thủy sản, nâng tổng số HTX thủy sản gần 50 HTX, tham gia nuôi cá, số lồng nuôi trên 6.800 lồng (trong đó số lồng đảm bảo mật độ có hiệu quả hơn 3.000 lồng). Bên cạnh đó, người dân còn khai thác hiệu quả khoảng 246 ha ao hồ, kết hợp với đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông ở Sơn La
Tổng sản lượng nuôi, đánh bắt thủy sản cả năm ước đạt 1.565 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi 1.025 tấn; sản lượng khai thác đánh bắt 540 tấn. Thương hiệu cá lòng hồ Sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai bước đầu được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng và được tiêu thụ với khối lượng lớn, kể cả nguồn thủy sản tự nhiên và thủy sản nuôi trong lồng, được thu gom vận chuyển về các khách sạn, nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Có thể nói phát triển nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân ven lòng hồ thủy điện Sơn La.
Khai thác diện tích mặt nước, phát triển nuôi, đánh bắt thủy sản là hướng đi phù hợp, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân TĐC thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải sớm xây dựng được thương hiệu cá Sông Đà với những loại cá mang đặc trưng riêng của Quỳnh Nhai.
Minh Minh (T/h)