Sử dụng nước tiết kiệm trong bối cảnh biến đổi khí hậu

T.Tâm (TH)|15/07/2017 03:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cần sử dụng nước tiết kiệm trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(Moitruong.net.vn) – Tại Việt Nam biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường. Do đó, người dân cần có ý thức sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam.

Nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng tăng nhanh, năm 1990 khoảng 50 tỷ m3khối/năm, năm 2000 khoảng 65 tỷ m3 khối/năm, năm 2010 khoảng 72 tỷ m3khối/năm; dự báo nhu cầu nước năm 2020 là 80 tỷ m3 khối/năm. Lượng mưa hàng năm khá cao nhưng phân bổ không đồng đều theo không gian và thời gian. Tổng lượng dòng chảy bề mặt thay đổi rõ giữa các mùa trong năm, chiếm 75 – 85% trong mùa mưa, phần còn lại chia cho các tháng mùa khô.

Hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội nếu không có hành động kịp thời. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do chất thải hữu cơ và vô cơ, rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện… làm hạn chế việc điều tiết nguồn nước.

Dự báo, đồng bằng sông Cửu Long có 828.000 ha đất bị nhiễm mặn, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có gần 2,3 triệu ha bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Vùng duyên hải Nam Trung bộ có gần 56.000 ha đất bị nhiễm mặn, 759.000 ha bị hoang hoá, sa mạc hóa.

Thiên tai và biến đổi khí hậu đang đe dọa cán cân nguồn nước. Bão lũ gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản, làm sạt đất, lở núi, xói bờ và xâm thực ven biển. Xu thế thiếu nước như dòng chảy kiệt, nắng nóng kéo dài và mưa giảm gây khô hạn đang đe dọa các vùng trong cả nước.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cũng cho rằng, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường. Nước sông, nước ngầm đã và đang suy giảm đáng kể, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng như sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống đang tăng nhanh.

Theo PGS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẳng định, nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không còn là dự báo, mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng miền khắp cả nước.

Bởi vậy, việc tìm cách tiếp cận mới và giải pháp ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu đã để bảo đảm an ninh nguồn nước là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

T.Tâm (TH)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sử dụng nước tiết kiệm trong bối cảnh biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.