Sức tàn phá của việc đi máy bay đối với môi trường

Minh Anh (t/h)|13/12/2019 09:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Một số vấn đề khí hậu và môi trường liên quan đến hoạt động của ngành hàng không gây ô nhiễm đáng kể mà con người không ngờ tới.

Hàng không là một ngành tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, ngành này ngốn tới 5 triệu thùng dùng mỗi ngày. Việc đốt số nhiên liệu này hiện nay tạo ra khoảng 2,5% tổng số khí carbon phát thải – tỷ lệ này có thể tăng lên 22% vào năm 2050 khi các ngành khác tạo ra ít khí thải carbon hơn.

Có biểu đồ so sánh nếu như lấy đơn vị tính là lượng dioxyde carbone phát thải khi vận chuyển 1 hành khách đi quãng đường 1km, máy bay ô nhiễm gấp đôi xe con, gấp 3 lần xe bus. Tàu hỏa có mức phát thải chỉ bằng 1/14 máy bay và tàu hoả cao tốc chạy điện có mức phát thải ít hơn cả.

Ảnh minh họa

Phong trào phản đối đi lại bằng máy bay đang phát triển rất nhanh tại châu Âu đến mức như tờ Người quan sát mới của Pháp cho biết: “Tổ chức Vận tải hàng không quốc tế cũng phải thừa nhận đó là mối đe dọa các hãng hàng không”. Theo bài báo, xu hướng này có nguồn gốc từ các nước Bắc Âu, từ “flygskam” trong tiếng Thuỵ Điển có nghĩa là cảm thấy áy náy, thấy tội lỗi khi đi lại bằng máy bay, kêu gọi mọi người khi di chuyển dưới 1.500km thì không đi máy bay mà chọn tàu hỏa.

Vấn đề lớn là do máy bay được miễn nhiều loại thuế, nên tại đa số các nước châu Âu đi lại bằng tàu hỏa nay còn đắt hơn nhiều so với đi máy bay low-cost. Chính sách hiện nay tại châu Âu đang vô hình chung cổ súy cho một phương tiện giao thông ô nhiễm.

Không như các ngành khác, nơi có thể có giải pháp thay thế thân thiện hơn với môi trường (như năng lượng mặt trời thay cho than đá, đèn LED tiết kiệm điện năng thay cho đèn sợi tốt), hiện không có cách nào để chuyên chở trên bầu trời 8 triệu người mỗi ngày mà không phải đốt các loại dầu. Máy bay ngày càng trở nên hiệu quả hơn nhưng tốc độ của điều đó không đủ nhanh để bù trừ cho sự tăng trưởng khủng khiếp của nhu cầu đi lại bằng hàng không. Máy bay điện thì vẫn chưa sử dụng đại trà được (có lẽ phải hàng thập kỷ nữa), nó bị hạn chế về mức năng lượng trong ắc-quy nó không thể cung cấp nhiều năng lượng như nhiên liệu phi cơ.

Tuy nhiên còn có một vấn đề đặc thù ở đây. Mặc dù không có hoạt động nào khác của con người lại thúc đẩy mức độ phát thải cá nhân nhanh và nhiều như đi lại bằng máy bay, hầu hết chúng ta không dừng lại để nghĩ về tác động về mặt carbon của hoạt động này đối với môi trường.

Trong khi ở nhiều nước, ô tô mới, các thiết bị ứng dụng trong nhà, thậm chí cả ngôi nhà có các thông số công khai về hiệu quả năng lượng, thì tác động về mặt carbon của hàng không lại gần như vô hình, dù cho nó tương đối lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, một chuyến đi khứ hồi từ châu Âu sang Australia tạo ra khoảng 4,5 tấn carbon. Bạn có thể lái ô tô trên khoảng cách 2.000km mà vẫn tạo ra ít khí thải hơn thế. Và lưu ý là việc phát thải trung bình đầu người toàn cầu là khoảng 1 tấn. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã bắt tay vào giải quyết vấn đề phát thải hàng không vào năm 2016, giới thiệu một cơ chế dựa trên thị trường, gọi là kế hoạch giảm và bù trừ carbon trong ngành hàng không quốc tế (CORSIA).

Các hãng hàng không các nước được quy định hạn mức phát thải carbon – nếu họ vượt quá mức cho phép (thường là như vậy) thì họ phải mua lại sự bù trừ từ các ngành khác. Nhưng kế hoạch này không thực sự triệt để. Kế hoạch này thậm chí không có hiệu lực trong một thập kỷ nữa và chẳng làm gì để hạn chế nhu cầu, không như thuế carbon.

Như vậy việc điều tiết tác động của việc đi máy bay lên môi trường là một công việc phức tạp. Việc thờ ơ, thụ động là phản ứng dễ dàng nhất trước tình trạng ô nhiễm từ máy bay, nhưng nếu không hành động thì tình hình có thể xấu thêm. Một vài giải pháp như cắt giảm số chuyến bay, mua bù trừ carbon cho các chuyến bay thiết yếu, và xem xét vấn đề ngành hàng không cứ phát triển bất tận. Nhận thức của mỗi công dân về vấn đề này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sức tàn phá của việc đi máy bay đối với môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.