Chất lượng không khí luôn ở mức báo động, nguy hại cho sức khỏe
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, vào thời điểm 10 giờ sáng trong ngày cuối tháng 11, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại trạm đo đặt tại đường Phạm Văn Đồng là 172, điểm tại Đại sứ quán Pháp (phố Bà Triệu) là 173, điểm tại Đại sứ quán Mỹ (đường Láng Hạ) là 182, điểm Hàng Đậu là 177- có nghĩa là đều ở mức xấu. Cũng trong ngày 30/11, trang Airvisual công bố chỉ số AQI tại khu vực Hồ Tây lên tới 216 (mức rất xấu), khu vực Sài Đồng (Long Biên) là 196.
Cũng cần nhắc lại, theo quy định, chỉ số AQI từ 0-50 là tốt; từ 51-100 trung bình; từ 101-150 kém; từ 151-200 xấu; từ 201-300 rất xấu; 301-500 nguy hại.
Như vậy là từ đầu năm tới nay, ít nhất thì Hà Nội đã phải chịu đựng 4 đợt ô nhiễm không khí (ONKK). Điều đó cũng có nghĩa là cả năm 2019 này, Hà Nội phải đương đầu với ONKK, trong khi giải pháp cải thiện là không rõ ràng.
Ô nhiễm không khí: Không thể ngồi đợi… trời mưa
Cụ thể, đợt 1 kéo dài 16 ngày (từ 11/1 đến 26/1). Đợt 2 kéo dài 17 ngày (từ 11/3 đến 27/3). Đợt 3 kéo dài 27 ngày (từ 12/9 đến 3/10). Đợt 4 từ ngày 1/11 đến nay. Tất cả các đợt ô nhiễm được cảnh báo này đều có chỉ số AQI trung bình lên hơn 100, tức là ở mức có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Trong sáng hôm qua (ngày 1/12), không chỉ tại các điểm có trạm đo chất lượng không khí mới ô nhiễm, mà người dân bình thường khi đi trên nhiều tuyến đường nội thành cũng cảm thấy điều đó. Tại khu vực Cầu Giấy, nơi rất đông dân cư, khoảng từ 8 giờ dến 10 giờ sáng trời mù mịt, khiến người ta có cảm giác như bụi bay trong không gian. Còn trước đó (đêm 30/11), trên các tuyến đường Xã Đàn, Nguyễn Trãi, Vành đai 3… nhiều người thật sự ngạc nhiên khi đèn đường vốn sáng trắng thì nay lại mờ đỏ. Bụi mịn trong không khí có thể không thấy vào ban ngày, nhưng đêm xuống nó đã hiện hình qua việc làm thay đổi màu sáng của hệ thống đèn đường.
Chưa chủ động ứng phó
Tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội đã trở thành vẫn đề cấp bách. Chính quyền cũng như cơ quan chức năng từng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, nếu ra đường thì nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi mịn, gây hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, giải pháp cải thiện chất lượng không khí thì vẫn chưa rõ ràng.
Đáng chú ý, một số ý kiến cho rằng, nếu trời mưa thì chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Trong số những ý kiến thuộc dạng này, có ý kiến của ông Ông Mai Trọng Thái- Chi cục trưởng Chi cục Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Điều đó đúng nhưng suy cho cùng cũng là thụ động, là… nhờ giời chứ không phải từ sự chủ động ứng phó của con người. “Tự cứu mình trước khi Trời cứu”, đó mới là cách tốt nhất chứ không phải đổ cho việc nọ việc kia gây ONKK. Nếu nói rằng ONKK do than tổ ong, do đốt rơm rạ… thì từ trước tới giờ vẫn thế, nhưng sao trước kia không ô nhiễm? Đành rằng (theo cơ quan chức năng) Hà Nội có tới 55.000 bếp than tổ ong, 5,7 triệu chiếc xe máy, nhưng cũng khó có thể nói đó là nguyên nhân chính và việc “dẹp bỏ” cũng không dễ dàng gì.
Vấn đề cần nhất hiện giờ là xác định rõ nguyên nhân gây ONKK ở Hà Nội, từ đó mới hy vọng tìm ra cách xử lý rốt ráo. Nếu không thì có lẽ cũng chỉ còn cách đợi… trời mưa giúp làm sạch bầu không khí mà thôi.
Hà Châu (T/h)