Tại sao người bị tiểu đường lại có nguy cơ lây nhiễm cao trong đại dịch COVID-19?

Hồng Trang (T/h)|09/04/2020 11:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – TS.BS Nguyễn Quang Bảy – Khoa Nội tiết Đái tháo đường, BV Bạch Mai; Bộ môn Nội, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, khi mắc phải COVID-19, người bệnh đái tháo đường thường có triệu chứng nặng hơn, biến chứng nặng hơn so với người khỏe mạnh.

Nguy cơ lây nhiễm

Cho đến nay không có số liệu nào cho thấy người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm virus COVID-19 hơn người bình thường. Nguy cơ nhiễm bệnh phụ thuộc sự lây lan trong cộng đồng và khả năng thực hiện các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách tiếp xúc ít nhất 2m, và hạn chế đi ra ngoài. Vấn đề của người bệnh đái tháo đường trong đại dịch COVID-19 là dễ bị các biến chứng nặng hơn và kết quả điều trị tồi hơn.

Một nghiên cứu trên 138 bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy bệnh nhân đái tháo đường chỉ chiếm 5,9% trong số bệnh nhân COVID-19 nhập viện nhưng lại chiếm tới 22,2% số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.

Khi mắc COVID-19, người bệnh đái tháo đường thường có triệu chứng nặng hơn. Ảnh minh họa

Nguy cơ bị bệnh nặng sau khi mắc COVID-19 không khác biệt giữa đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường typ 2 nhưng có thể khác biệt tùy theo tuổi của bệnh nhân và có hay không các biến chứng của đái tháo đường. Tuổi cao (> 70), kiểm soát đường huyết tồi hoặc để đường huyết dao động nhiều, có các biến chứng mạn tính, nhất là biến chứng tim mạch, biến chứng thận… là những yếu tố dự báo bị bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao.

Một nghiên cứu trên 44.672 bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc công bố tháng 2/2020 cho thấy, tỷ lệ tử vong chung là 2,3% (1023/44672), nhưng tỷ lệ tử vong ở những người có đái tháo đường là 7,3% (tăng gấp 3,2 lần), ở những người có bệnh tim mạch là 10,5% (tăng gấp 4,6 lần).

Nguyên nhân gây biến chứng ở người bệnh

Có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đái tháo đường dễ bị biến chứng nặng:

– Hệ miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo đường yếu, khó đánh bại virus, làm kéo dài quá trình hồi phục.

– Đường huyết cao có thể là môi trường tốt cho virus phát triển.

– Có biến chứng hoặc bệnh đi kèm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp… làm nặng thêm bệnh.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát đường huyết ở các bệnh nhân đái tháo đường mắc COVID-19 khó khăn là:

– Chế độ ăn và giờ ăn thay đổi, nhất là bệnh nhân đang phải cách ly.

– Thiếu hoặc thay đổi các thuốc uống đái tháo đường tại vùng bị cách ly.

– Bệnh nhân bị viêm, nhiễm khuẩn… khi đó cơ thể có phản ứng tăng tiết glucocorticoid và một số nội tiết tố khác để chống stress và viêm nhưng chính các nội tiết tố này lại làm tăng đường huyết.

– Lo âu, sợ hãi, căng thẳng (stress) cũng làm tăng đường huyết.

– Một số bệnh nhân nặng cần điều trị glucocorticoid.

– Bản thân virus SARS-CoV-2 kích thích cơ thể tăng sản xuất nhiều cytokine viêm, gây stress nặng ở các bệnh nhân nặng và nguy kịch.

– Ảnh hưởng của các thuốc giảm đau chống viêm (Aspirrin, Paracetamol, Ibuprofen…) được sử dụng dể điều trị làm giảm triệu chứng của bệnh

– Không tập thể dục do chỉ ở trong nhà

Ở Việt Nam, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang được khống chế tương đối tốt, nhưng nếu dịch lan mạnh ra cộng đồng thì nguy cơ người bệnh đái tháo đường bị bệnh nặng là rất cao vì tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam được kiểm soát đường huyết tốt khá thấp (gần 30% so với 50% ở các nước phát triển). Thực tế một số bệnh nhân COVID-19 có đái tháo đường đã bị bệnh nặng hơn (bị suy hô hấp nặng, phải thở máy như bệnh nhân người Anh tại Hà Nội) hay thời gian nằm viện kéo dài (như bệnh nhân người Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh, nằm viện hơn 3 tuần).

Hồng Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại sao người bị tiểu đường lại có nguy cơ lây nhiễm cao trong đại dịch COVID-19?