Tái sử dụng nước thải góp phần bảo vệ tài nguyên nước

Thu Hà (T/h)|25/08/2018 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Việt Nam có 2.372 con sông có chiều dài hơn 10 km, với tổng dòng chảy khoảng 840 tỷ m3/năm, trong đó có từ 520 đến 525 tỷ m3 nước chảy từ các quốc gia láng giềng ở thượng nguồn các lưu vực sông vào Việt Nam, lượng nước còn lại được sinh ra từ chính lãnh thổ nước ta. Các hoạt động sử dụng, phát triển tài nguyên nước trên các sông cùng chia sẻ với Việt Nam của các nước láng giềng sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước của chúng ta.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ bên ngoài của nước ta được xem là một trong những thách thức lớn trong công tác phát triển và quản lý tài nguyên nước. Bên cạnh đó, do lượng mưa hàng năm phân bố không đều theo mùa, cho nên có sự phân hóa lượng dòng chảy mùa mưa và mùa khô. Về mùa mưa, sự tập trung dòng chảy lớn có thể gây nên hiểm họa thiên tai như lũ, lụt, trong khi đó mùa khô, có thể gây nên hạn hán, thiếu nước cho nhu cầu của con người và sản xuất.

Trong những năm qua, lượng nước bình quân đầu người ở nước ta giảm khá nhanh. Từ 12.800 m3/người (năm 1990) xuống còn 9.000 m3/người (năm 2015), dự báo giảm xuống còn 8.300 m3/người vào năm 2025. Nếu tính riêng lượng nước nội sinh trong lãnh thổ Việt Nam, lượng nước bình quân chỉ còn 3.000 m3/người vào năm 2025. Ngoài ra, do nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, sinh hoạt không qua xử lý đổ vào các dòng sông và nguồn nước dưới đất làm suy giảm nhanh chóng lượng nước có thể sử dụng được ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo khảo sát của Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase), hiện nhu cầu dùng nước cấp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội ước tính khoảng 37.000 m3/ngày. Nguồn nước cấp chủ yếu cho khu vực này vẫn là nước ngầm khai thác tại chỗ.

Hà Nội hiện có 1 khu công nghệ cao Hòa Lạc và 17 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 5.000ha và 49 cụm CN có tổng diện tích hơn 2,6ha, 177 điểm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.300ha.

Nhu cầu dùng nước cấp cho khu vực này khoảng 37.000 m3/ngày. Trong đó, hơn 40% lượng nước được cấp từ hệ thống cấp nước đô thị, gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp tại các quận nội thành, quận Long Biên, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây. Còn lại, khoảng 60% sử dụng nước từ các nhà máy do KCN đầu tư xây dựng, sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ. Việc khai thác nước ngầm tại các KCN về lâu dài cũng cần hạn chế do sự sụt giảm mạnh cả về trữ lượng và chất lượng. Cũng chính vì lý do này, để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước tại các KCN, TP Hà Nội đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước TP Hà Nội xác định việc sử dụng nước cấp cho các KCN, đặc biệt là các KCN đang và sẽ mở rộng, phát triển mới từ các hệ thống cấp nước đô thị sẽ được lấy từ các nhà máy nước có quy mô lớn khai thác nguồn nước mặt.

Theo các chuyên gia, để từng bước giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải gây ra và tăng tỷ lệ tái sử dụng nước thải ở Việt Nam, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân cần ưu tiên nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải; khuyến khích nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ xử lý nước phù hợp với nhu cầu tái sử dụng của từng ngành, lĩnh vực.

Việc tái sử dụng nước không chỉ chú trọng ở các ngành công nghiệp, mà cần có chính sách khuyến khích tất cả các ngành dùng nước, trong đó có ngành nông nghiệp. Đối với các khu công nghiệp phải thực hiện xử lý tập trung và tái sử dụng; cần xem sản phẩm nước tái sinh là hàng hóa, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước tái sinh.

Thu Hà (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tái sử dụng nước thải góp phần bảo vệ tài nguyên nước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.